Multimedia Đọc Báo in

Nếu tính đủ, giá điện sẽ tăng 9,26%

08:45, 21/05/2019

Ngày 17-5-2019, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo về phương án tăng giá điện theo Nghị quyết số 30/NQ-CP.

Công tác ghi chỉ số, tính giá đúng quy định

Sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, ngày 2-5-2019, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1114/QĐ-BCT về việc kiểm tra tình hình thực hiện điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Đoàn kiểm tra có đại diện Bộ Tài chính, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Kết quả kiểm tra cho thấy, trong tháng 4-2019, nền nhiệt độ ở cả 3 miền đều tăng, đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhu cầu phụ tải điện toàn quốc trong tháng 4-2019 tăng so với tháng 3-2019 và so với cùng kỳ năm 2018. Việc niêm yết công khai giá điện mới, ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính và thanh toán tiền điện bảo đảm đúng quy định, quy trình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, hóa đơn tiền điện của khách hàng sinh hoạt trong tháng 4-2019 tăng do 3 nguyên nhân: sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng; tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%; kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4-2019 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3-2019.

Bộ Công thương cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thống kê chi tiết thực tế sử dụng điện của các khách hàng sinh hoạt trên cả nước, từ đó nghiên cứu, đề xuất biểu giá bán lẻ điện phù hợp với đại bộ phận khách hàng sử dụng điện, đồng thời khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong khi vẫn phải đảm bảo các mục tiêu về an sinh xã hội.  Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khắc phục một số thiếu sót; nghiên cứu thay đổi thiết kế của hóa đơn tiền điện cho khách hàng sinh hoạt để khách hàng dễ theo dõi, kiểm tra…

Giá điện hiện hành chưa tính hết chi phí đầu vào

Báo cáo đã nêu các thông số đầu vào để tính giá điện, gồm: việc điều chỉnh giá than nội địa bán cho sản xuất điện, do nguồn than nội địa không đủ phục vụ sản xuất điện năm 2019, một số nhà máy điện dự kiến phải sử dụng than trộn (trộn than nội địa và nhập khẩu) có giá cao hơn so với giá than nội địa. Điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với than, dầu kể từ ngày 1-1-2019 theo Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14, ngày 26-9-2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều chỉnh giá khí trong bao tiêu cho sản xuất điện thực hiện theo cơ chế thị trường theo Nghị quyết số 57/2013/QH13, ngày 12-11-2013 của Quốc hội. Phân bổ một phần chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện năm 2015 và toàn bộ chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện năm 2017 của các nhà máy thủy điện vào năm 2019. Tính toán giá các loại nhiên liệu gồm: giá dầu thế giới để tính giá khí thị trường, giá than nhập khẩu dự báo cho năm 2019; tỷ giá dự báo cho năm 2019.

Tổng hợp ảnh hưởng của một số yếu tố đầu vào chính nêu trên và một số yếu tố khác làm tăng chi phí mua điện năm 2019 khoảng 20.000 tỷ đồng. Với các thông số đầu vào chính nêu trên, giá điện bình quân năm 2019 là 1.864,44 đồng/kWh, tương ứng tỷ lệ tăng so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 8,36%.

Báo cáo cũng nêu, phương án giá bán lẻ điện bình quân đã thực hiện chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện dự kiến năm 2018 của các nhà máy điện (khoảng 3.266 tỷ đồng) vào năm 2019. Nếu bổ sung chi phí này, tổng chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện là 7.090,8 tỷ đồng, khi đó giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 sẽ là khoảng 1.879,90 đồng/kWh, tương ứng tỷ lệ tăng so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 9,26%.

Giá điện thấp hơn giá bình quân 8 nước Đông Nam Á

Báo cáo cũng phân tích, so sánh giá điện với các nước Đông Nam Á, sau khi điều chỉnh giá điện ngày 20-3-2019, mức giá bán lẻ điện bình quân của Việt Nam bằng 66% giá điện bình quân 8 nước Đông Nam Á (thống kê tại thời điểm tháng 6-2018) và bằng 37% giá điện của Campuchia, 78% giá điện của Lào. Ở một khía cạnh khác, so sánh giá điện với các nước cùng GDP, sau khi điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân của Việt Nam vẫn thấp hơn (thấp hơn 17%) giá điện bình quân 8 nước có GDP bình quân gần tương đồng với Việt Nam.

Về quy định giá bán lẻ điện bậc thang, báo cáo phân tích, hiện rất nhiều nước trên thế giới áp dụng giá điện theo bậc thang và giá ở bậc thang sau cũng cao hơn so với bậc thang đầu. Thời gian vừa qua, Bộ Công thương đã nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi về các phương án giá điện bậc thang và phương án giá điện bậc thang hiện nay được nhiều người chấp nhận hơn cả.

Ở nước ta, trong năm 2018, số hộ sử dụng điện ở mức 100kWh/tháng trở xuống là trên 9 triệu hộ, chiếm khoảng 35% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt cả nước. Do vậy, giá bán lẻ điện sinh hoạt cho bậc 1 (từ 0 - 50kWh) và bậc 2 (từ 51-100kWh) được tính toán tương ứng chỉ bằng 90% và 93% so với mức giá bán lẻ điện bình quân nhằm mục tiêu hỗ trợ tiền điện cho các hộ thu nhập thấp, các bậc thang còn lại có giá cao hơn. Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ nghiên cứu, đề xuất biểu giá điện mới với mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ ngày 20-3 đến ngày 4-5-2019, toàn Tập đoàn tiếp nhận và giải đáp 71.504 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện. Trong đó có 14.541 kiến nghị của khách hàng, chiếm tỷ lệ gần 20% thắc mắc về chỉ số công tơ điện, hóa đơn tiền điện. 100% thắc mắc của khách hàng đã được trả lời và khách hàng hài lòng, đồng ý với kết quả giải quyết.

Lê Vinh


Ý kiến bạn đọc