Multimedia Đọc Báo in

Tăng trưởng tín dụng: Nhiều tín hiệu tích cực

08:59, 07/05/2019

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk (NHNN), tính đến hết tháng 4-2019, tín dụng trên địa bàn đã tăng trưởng 3,87% so với đầu năm. Mặc dù đây là tốc độ tăng trưởng không thực sự cao, nhưng so với chỉ tiêu điều hành tăng trưởng cả năm 2019 (tăng trưởng 14 - 15%) và nhất là “điểm đến” của dòng tiền đang cho thấy những tín hiệu tích cực.

Theo đánh giá của NHNN, từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc, tích cực thực hiện các chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc triển khai công tác tín dụng và bám sát định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, nhất là văn bản của UBND tỉnh về việc triển khai thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Qua đó, các tổ chức tín dụng căn cứ chỉ tiêu tăng trưởng được giao để mở rộng tín dụng, chú trọng cho vay các lĩnh vực ưu tiên: phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, ngày 9-6-2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, ngày 7-9-2018 của Chính phủ; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ; cho vay xuất khẩu... gắn với tiềm năng phát triển của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng.

Cán bộ Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh huyện Krông Bông kiểm tra hiệu quả vốn vay của một khách hàng ở xã Cư Đrăm.
Cán bộ Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh huyện Krông Bông kiểm tra hiệu quả vốn vay của một khách hàng ở xã Cư Đrăm.

Đại diện một ngân hàng thương mại Nhà nước trên địa bàn tỉnh cho rằng, việc bám sát các chỉ đạo, định hướng trên thực sự là “cây gậy” của các tổ chức tín dụng trong giai đoạn hiện nay. Thế nhưng, xét quy luật mùa vụ, những tháng đầu năm tín dụng thường tăng trưởng thấp thì tốc độ tăng trưởng 3,87% là hoàn toàn phù hợp. Tốc độ tăng trưởng này không chỉ thể hiện sự ổn định của nền kinh tế địa phương ở thời điểm hiện tại mà còn cho thấy hệ thống ngân hàng cũng đã có những điều chỉnh nhất định trong hoạt động cấp tín dụng. Cụ thể ở đây là việc các ngân hàng không “bất chấp” để chạy theo tăng trưởng mà đang ngày càng chú trọng hơn chất lượng tín dụng, tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên, những dự án có tính khả thi cao… 

Thực tế là tính đến hết tháng 4-2019, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 94.300 tỷ đồng thì hầu hết đều “đổ” vào các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, với tỷ trọng hoàn toàn phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế của tỉnh. Trong số các chương trình tín dụng đang thực hiện trên địa bàn tỉnh, cho vay xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, với tốc độ tăng trưởng 52,17% so với đầu năm, dư nợ hiện trên 1.400 tỷ đồng, chiếm 1,48% tổng dư nợ toàn địa bàn. Kế đến là cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 12.800 tỷ đồng, tăng 11,6% so với đầu năm, chiếm 13,57% tổng dư nợ toàn địa bàn, gần 2.300 lượt doanh nghiệp vay vốn. Trong khi đó, cho vay nông nghiệp, nông thôn mặc dù có tốc độ tăng trưởng không bằng hai lĩnh vực trên (3,12% so với đầu năm), nhưng về giá trị tuyệt đối vẫn đạt 54.200 tỷ đồng, chiếm 57,48% tổng dư nợ, với gần 402.000 khách hàng còn dư nợ.

Cán bộ Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk kiểm tra hiệu quả vốn vay của một khách hàng tại huyện Ea Kar.
Cán bộ Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk kiểm tra hiệu quả vốn vay của một khách hàng tại huyện Ea Kar.

Cùng với các chương trình trên, tín dụng chính sách xã hội cũng có tốc độ tăng trưởng 4,72% so với đầu năm, với tổng dư nợ cho vay của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Đắk Lắk đạt 4.575 tỷ đồng, có 203.000 khách hàng còn dư nợ đã góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội tại địa phương.

Có thể nói, việc tín dụng ở các lĩnh vực ưu tiên và là những lĩnh vực quan trọng của địa phương đều có tốc độ tăng trưởng khá là tín hiệu tích cực trong hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Đây là nền tảng quan trọng góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Hiện nay, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 6- 6,5%/năm; lãi suất cho vay các lĩnh vực còn lại ở mức 7,0 – 9,0%/năm đối với cho vay ngắn hạn, 9,5 – 12,5%/năm đối với cho vay trung, dài hạn; lãi suất cho vay ngoại tệ phổ biến từ 4 - 6,5%/năm.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.