Thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt: Xây dựng lòng tin để thay đổi thói quen của người dân
Thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những mục tiêu lớn đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) định hướng từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch vẫn phổ biến, lấn át các phương thức thanh toán hiện đại khác.
Để thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt, ngày 30-12-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 với nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó đáng chú ý có mục tiêu giảm tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào cuối năm 2020.
Cùng với Ðề án trên, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và thiết bị chấp nhận thẻ POS.
Theo đó, đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%; đến cuối năm 2025, con số này rút xuống còn 8%. Mới đây nhất, ngày 24-2-2018, Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí, chi trả các chương trình an sinh xã hội… và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trong năm 2019. Đây được xem như là tạo thêm “cú hích” và là cơ hội để thanh toán không dùng tiền mặt có những đột phá mới.
Khách hàng tìm hiểu phương thức thanh toán bằng tính năng QR Pay trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking của Ngân hàng NN-PTNT. |
Đó là những quyết sách ở cấp vĩ mô. Cụ thể hóa những quyết sách đó, hệ thống ngân hàng đã nỗ lực đầu tư công nghệ để mở rộng các dịch vụ thanh toán điện tử như Internet Banking, E- Mobile banking Mobile Banking, POS, ATM…
Đặc biệt, từ tháng 10-2018, NHNN đã ban hành tiêu chuẩn QR code để ứng dụng thanh toán QR Pay của ngân hàng nào cũng chấp nhận thanh toán được. Đây là quyết định kịp thời, mang tính đột phát bởi QR Pay được xem như một dạng “ví điện tử”, là tính năng được tích hợp vào ứng dụng thanh toán của các ngân hàng, khách hàng sử dụng camera điện thoại quét mã QR Code để thực hiện các giao dịch thanh toán.
Cùng với hệ thống ngân hàng, nhiều tổ chức, doanh nghiệp viễn thông cũng được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ thanh toán trung gian như VNPTPay, ViettelPay, SamsungPay... tập trung vào những tính năng nạp tiền điện thoại, thanh toán qua mã QR, thanh toán hóa đơn dịch vụ cước điện thoại di động, hóa đơn điện nước, Internet, các khoản vay tài chính, vay trả góp, vay tiêu dùng, mua vé máy bay...
Những ưu thế nổi trội của giao dịch thanh toán không sử dụng tiền mặt đã được kiểm chứng qua thực tiễn. Chẳng hạn, một trong những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến nhất hiện nay là thanh toán bằng QR Pay giúp khách hàng thanh toán đơn hàng một cách nhanh chóng, an toàn, không lo để lộ thông tin tài khoản và hoàn toàn miễn phí giao dịch. Ngoài ra, QR Pay còn giúp các đơn vị bán hàng cung cấp sản phẩm không mất chi phí đầu tư thiết bị thanh toán và mở rộng kênh bán hàng thông qua hình thức bán hàng trên không gian mạng.
Nhân viên Ngân hàng TMCP Tiên Phong Chi nhánh Đắk Lắk hướng dẫn khách hàng sử dụng ngân hàng tự động của đơn vị. |
Thế nhưng, theo thống kê của Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, 40% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, song 90% khoản chi tiêu hằng ngày đều sử dụng tiền mặt. Phần lớn dân cư nông thôn chưa được tiếp cận nhiều với các công nghệ thanh toán thì thói quen sử dụng tiền mặt là tất yếu, nhưng ở “phân khúc” thành thị, việc sử dụng tiền mặt vẫn còn rất phổ biến.
Những năm gần đây, việc mua – bán qua mạng Internet trở nên thịnh hành hơn bao giờ hết. Khi có nhu cầu mua bất kỳ sản phẩm, hàng hóa gì nhiều người đều có thói quen “lên mạng” để tìm hiểu. Đi cùng với xu thế đó, các nhà cung cấp cũng có thể đáp ứng hầu hết sản phẩm từ lớn đến nhỏ, từ mớ rau, con cá đến quần áo, điện thoại… thậm chí là cả xe ô tô, xe máy cũng có thể mua được qua các ứng dụng trên Internet. Thế nhưng, hầu hết người tiêu dùng vẫn có thói quen “mua online, trả tiền mặt” và phải “xem hàng rồi mới trả tiền” bởi trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp “cười ra nước mắt” khi mua hàng qua mạng khiến khách hàng mới chỉ dám giao dịch “điện tử một nửa”.
Vấn đề ở đây là niềm tin của khách hàng và uy tín của người bán vẫn chưa thực sự “gặp nhau”. Đối với thị trường tiêu dùng nhỏ lẻ (siêu thị, nhà hàng, chợ đầu mối…) hiện người dân vẫn duy trì hành vi mua sắm và tiêu dùng truyền thống là dùng tiền mặt. Lý do là dù hệ thống thanh toán thẻ qua điểm chấp nhận thẻ (POS) và thanh toán thẻ bằng thiết bị di động (MPOS) đã phát triển, song chỉ tập trung tại các khu trung tâm. Bên cạnh đó, thói quen kiểu “tiện mua, tiện bán” cũng là lý do cả bên cung, bên cầu đều cần và sử dụng tiền mặt. Và trong thực tế, có rất nhiều người được các ngân hàng cấp miễn phí thẻ thanh toán, thẻ ghi nợ, nhưng chẳng mấy khi họ sử dụng đến trong việc thanh toán hằng ngày.
Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại Nhà nước trên địa bàn tỉnh, việc thanh toán không dùng tiền mặt là nhu cầu tất yếu của xã hội hiện đại, xóa bỏ giới hạn về mặt không gian, rút ngắn thời gian giao dịch, tăng vòng quay của dòng vốn, đáp ứng phát triển kinh tế xã hội. Hầu hết các ngân hàng đều đánh giá việc phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt là rất tiềm năng, song việc đầu tư, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đòi hỏi chi phí lớn, thời gian thu hồi vốn dài hạn. Vì vậy, việc thúc đẩy các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng bên cạnh những quyết sách, chiến lược của Nhà nước, nỗ lực của ngành Ngân hàng thì cần có sự ủng hộ, hỗ trợ của nhiều phía. Trong đó, yếu tố rất quan trọng là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ để người dân tin và dùng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk, tính đến nay toàn tỉnh có 262 máy ATM, 992 điểm đặt máy chấp nhận thẻ (POS), 999 nghìn thẻ ATM được các tổ chức tín dụng phát hành và đang được khách hàng sử dụng với nhiều tiện ích, đáp ứng nhu cầu giao dịch của khách hàng. |
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc