Triển vọng mô hình nuôi cá lồng trên đập Krông Búk Hạ
Những năm gần đây, một số người dân ở xã Krông Búk (huyện Krông Pắc) đã tận dụng nguồn nước tự nhiên trên đập Krông Búk Hạ để đầu tư, phát triển nghề nuôi cá lồng, mang lại nguồn thu nhập cao và tạo sản phẩm thủy sản sạch cung cấp cho thị trường trong tỉnh.
Người đi đầu và thử nghiệm thành công mô hình nuôi cá là ông Hồ Ngọc Hùng (thôn 4, xã Krông Búk). Năm 2012, sau khi nhận được một lồng nuôi cá diện tích 300 m2 của Chương trình hỗ trợ ngành Thủy sản Việt Nam - FSPS (do Chính phủ Đan Mạch tài trợ), xã Krông Búk đã thành lập Hội nghề cá, gồm 20 thành viên. Thế nhưng sau một thời gian nuôi, tỷ lệ cá chết cao, ý tưởng nuôi cá trên đập dần thất bại, lồng cá bỏ hoang nhiều năm liền nên năm 2015, ông Hùng đã đăng ký thầu lại lồng nuôi cá này.
Ông đã mày mò, tìm hiểu nguyên nhân thất bại và học hỏi kỹ thuật chăm sóc của nhiều hộ dân ở huyện Krông Ana và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, rồi mạnh dạn đầu tư 180 triệu đồng làm thêm một lồng mới với diện tích 250 m2 để nuôi cá rô phi và cá diêu hồng. Đồng thời, liên kết với Công ty TNHH Thủy sản Hải Long Nha Trang để được cung cấp cá giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Sau nhiều năm nuôi cá, ông Hùng tích lũy được vốn kinh nghiệm, giúp đàn cá của gia đình phát triển khỏe mạnh và có trọng lượng từ 700g - 1,5 kg sau 6 tháng nuôi.
Ông Trần Huỳnh Thanh đang chăm sóc đàn cá con của gia đình. |
Ông Hùng chia sẻ, để cá phát triển tốt thì con giống phải đảm bảo khỏe mạnh, không để trầy xước cá giống khi vận chuyển và cần xử lý tốt khâu vệ sinh lồng, nếu không cá sẽ dễ bị nhiễm bệnh. Cùng với đó, phải cho cá ăn đúng giờ, đúng liều lượng, đặc biệt, cá con phải được chăm sóc kỹ lưỡng, cung cấp thêm vitamin C và khoáng chất dành cho cá, thường xuyên quan sát thời tiết để kịp thời phòng bệnh. Đến nay, gia đình ông đã có 4 lồng cá với diện tích 1.100 m2 mặt nước, trung bình mỗi năm ông thu được 115 tấn cá thịt. Với giá bán 34 - 38 nghìn đồng/kg, ông thu lãi bình quân hơn 300 triệu đồng/năm.
Thời gian tới, Hội Nông dân xã Krông Búk sẽ phối hợp với Tổ hợp tác hoàn thành hồ sơ xây dựng hợp tác xã nuôi cá lồng, nhằm tập trung tạo dựng thương hiệu và hỗ trợ các thành viên tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp người dân vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống. |
Một trong những hộ có diện tích nuôi cá lớn trên đập là gia đình ông Trần Huỳnh Thanh (thôn 4), với 10 lồng nuôi cá, có diện tích 2.000 m2 mặt nước, bình quân một năm thu được hơn 100 tấn cá thịt. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông thu lãi 200 - 300 triệu đồng/năm. Theo ông Thanh, đập Krông Búk Hạ có nguồn nước tự nhiên dồi dào, xung quanh đập không bị ảnh hưởng bởi nước thải, rác thải sinh hoạt nên nước rất sạch, giúp người dân thuận lợi trong việc nuôi trồng, cá phát triển khỏe mạnh. Quan trọng hơn, sản phẩm thu được hoàn toàn sạch và an toàn cho người tiêu dùng, được các thương lái tại TP. Buôn Ma Thuột thu mua và phân phối cho các địa phương trong tỉnh.
Nhận thấy nguồn nước trên đập, khí hậu ở địa phương rất thuận lợi cho việc nuôi cá lồng và hiệu quả thực tế từ mô hình của nhiều người dân, đầu năm 2018, Hội Nông dân xã Krông Búk đã thành lập Tổ hợp tác nuôi cá lồng, gồm 24 thành viên, với 12 cơ sở đăng ký kinh doanh, có tổng diện tích nuôi là 10.000 m2 mặt nước, do ông Hồ Ngọc Hùng làm Tổ trưởng. Các thành viên trong tổ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau cùng phát triển nghề cá để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Ông Bùi Quang Hợp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Krông Búk cho biết, mô hình nuôi cá lồng là hướng đi mới, mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều người dân, đồng thời mô hình đã góp phần không nhỏ vào công tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tại địa phương.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc