Multimedia Đọc Báo in

Đời sống người dân buôn Tul được cải thiện nhờ lúa nước

08:42, 04/06/2019

Buôn Tul, xã Yang Mao (huyện Krông Bông) hiện có 106 hộ, 517 khẩu, trong đó 96 hộ là đồng bào dân tộc M’nông. Từ chỗ phải đi mua gạo ăn hằng ngày, đến nay bà con buôn Tul đã biết cải tạo đất, mở rộng diện tích lúa nước, không còn lo cảnh thiếu lương thực.

Buôn Tul có tổng diện tích đất canh tác khoảng 175 ha. Trước đây người dân chủ yếu trồng các loại cây như cà phê, sắn, ngô lai và các loại đậu. So với các thôn, buôn khác của xã Yang Mao, diện tích đất trồng trọt của buôn Tul khá ít do địa thế nằm ở thung lũng, bao quanh là các dãy núi cao. Những năm gần đây, tận dụng nguồn nước từ hai dòng suối đầu nguồn là Ea Sai và Ea M’hắt, được địa phương đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước, bà con M’nông ở đây đã tập trung phát triển cây lúa nước, trở thành buôn có diện tích lúa nước lớn nhất xã Yang Mao với 30,8 ha, năng suất bình quân trên 6 tấn/ha.

Gia đình Ama Lét làm đất chuẩn bị cho vụ gieo sạ mới.
Gia đình Ama Lét làm đất chuẩn bị cho vụ gieo sạ mới.

Nhờ có nước, cách đây hơn 5 năm, gia đình ông Ama Thuần cải tạo gần 4.000 m2 đất cao trước đây trồng ngô lai để làm ruộng nước, mỗi vụ thu về hơn 3 tấn lúa. Ông dành 1 tấn làm lương thực cho gia đình, còn lại mang bán. Thấy trồng lúa nước hiệu quả, vừa qua Ama Thuần lại mạnh dạn bỏ ra 5 triệu đồng thuê máy múc, san ủi, cải tạo thêm gần 1.000 m2 đất trồng ngô kém hiệu quả để gieo sạ lúa trong mùa tới.

Ông chia sẻ: “Gia đình có ít đất cao trồng sắn và ngô lai nhưng đầu tư nhiều mà năng suất thấp, giá cả lại bấp bênh. Thấy hệ thống thủy lợi trong buôn luôn đủ nước nên gia đình quyết định bỏ công sức, tiền bạc cải tạo thành ruộng để sạ lúa. Vụ nào được mùa, gia đình bán bớt lúa lấy tiền mua sắm đồ dùng sinh hoạt”.

Nhờ có nước ở suối đầu nguồn suối Ea Sai, gia đình Ama Thuần cải tạo được hơn 4 sào ruộng làm lúa nước.
Nhờ có nước ở suối đầu nguồn suối Ea Sai, gia đình Ama Thuần cải tạo được hơn 4 sào ruộng làm lúa nước.

Hệ thống kênh mương dọc theo suối Ea M’hắt cũng giúp hơn 60 hộ dân buôn Tul cải tạo và canh tác trên 20 ha ruộng nước hai vụ từ nhiều năm nay. Suối Ea M’hắt có thác nước đầu nguồn nên dù vào thời gian cao điểm của mùa khô, suối vẫn có nước, hệ thống kênh mương luôn đủ nước để bà con trong buôn làm mỗi năm 2 vụ lúa nước chắc ăn. Nhiều gia đình trong buôn đã dùng tiền bán lúa để đầu tư mua máy công nông vừa làm đất, vừa vận chuyển phân bón, nông sản về nhà.

Gia đình anh Ama Lét (Y Quyên) cải tạo được 5 sào đất trồng lúa nước, mỗi năm làm 2 vụ, thu về khoảng hơn 6 tấn lúa khô. Anh cho biết, ngoài đủ lương thực cho gia đình, anh còn tiết kiệm tiền bán lúa, sắn, ngô mua được chiếc xe công nông phục vụ sản xuất và mua sắm một số đồ dùng trong gia đình.

Cuộc sống của đồng bào M’nông ở buôn Tul hiện nay đã được cải thiện rõ rệt. Đường giao thông nội buôn đã được bê tông hóa, điện đường thắp sáng quanh buôn; nước sạch tự chảy được dẫn về từng hộ với giá chỉ 2.000 đồng/m3... Anh Y Quyết Mlô (Ama Luật), Phó buôn Tul phấn khởi: “Bình quân mỗi hộ đồng bào M’nông ở buôn Tul có khoảng 3 sào lúa nước nên bây giờ bà con không phải “chạy” gạo từng bữa, không sợ thiếu đói nữa. Vừa qua lãnh đạo địa phương đã lập kế hoạch tiếp tục xây dựng hệ thống kênh mương vừa tiết kiệm được nước vừa để bà con luôn chủ động được nguồn nước gieo sạ lúa”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.