Multimedia Đọc Báo in

Giảm rủi ro trong sản xuất nhờ tái canh kết hợp xen canh

09:53, 03/06/2019

Trước tình hình giá cả nông sản bấp bênh, thời tiết biến động, nhiều nông dân ở thị xã Buôn Hồ đã áp dụng mô hình tái canh cà phê kết hợp xen canh nhằm tăng thu nhập và giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (phường Bình Tân) có 1 ha cà phê đã khai thác hơn 15 năm nên phần nhiều bị thoái hóa, năng suất đạt thấp. Năm 2013, ông quyết định nhổ bỏ 3/4 diện tích cà phê già cỗi để trồng mới 700 cây cà phê giống TR9. Cùng với đó, giữa các hàng cà phê ông trồng xen hồ tiêu, sầu riêng, bơ booth. Sau 3 năm chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cây của ông Hùng đã cho thu hoạch bói, năng suất trên 6 tấn các loại. Với thành công ban đầu, năm 2016 ông quyết định tái canh kết hợp xen canh cho phần diện tích còn lại.

Ông Hùng cho biết: "Khi xen canh các loại cây trồng theo tỷ lệ hợp lý, cây cà phê không những không bị ảnh hưởng mà còn được “hưởng lợi” phần dinh dưỡng khi chăm bón cho các loại cây khác. Chưa hết, cây ăn trái còn chắn gió, che bóng cho cà phê, tiết kiệm lượng nước tưới trong mùa khô. Dù hiện tại giá nông sản không ổn định và cao như trước, gia đình tôi vẫn có nguồn thu ổn định nhờ cây này bù cây khác".

Mô hình tái canh cà phê kết hợp xen canh của ông Nguyễn Văn Hùng (bên phải) ở phường Bình Tân,  TX. Buôn Hồ.
Mô hình tái canh cà phê kết hợp xen canh của ông Nguyễn Văn Hùng (bên phải) ở phường Bình Tân, TX. Buôn Hồ.
 

“Chương trình tái canh cà phê được thị xã Buôn Hồ triển khai thực hiện từ năm 2011, đến nay đã tái canh được gần 900 ha cà phê. Phần lớn diện tích tái canh đều được thay thế bằng những giống cà phê mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh gỉ sắt như TR4, TR6, TR9, TRS1…, kết hợp xen canh các loại cây trồng phù hợp như hồ tiêu, bơ, sầu riêng”.

 
 
Ông Trương Đình Ry, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Buôn Hồ

Tương tự, gia đình ông Y Dhơn Duôn Du (phường An Lạc) canh tác 2,2 ha cà phê đã lâu năm, nhiều cây bị già cỗi. Sau khi học hỏi các mô hình tái canh thành công, đầu năm 2018 ông Y Dhơn mạnh dạn cải tạo 7 sào cà phê già cỗi bằng cách nhổ bỏ, trồng mới 600 cây cà phê giống TR4, phần diện tích còn lại gia đình tiếp tục chăm sóc để có nguồn thu.

Trước tình hình cà phê mất mùa, mất giá liên tục, để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, ông kết hợp trồng xen 400 trụ tiêu và 70 cây sầu riêng Dona trong vườn cà phê tái canh. Ông Y Dhơn chia sẻ: “Tái canh cà phê cần khá nhiều vốn, chi phí đầu tư ban đầu từ 80 - 90 triệu đồng/ha và mất đến 3 năm mới cho thu hoạch. Nếu năng suất trung bình đạt 3 tấn/ha và giá cả khoảng 30 - 31 triệu đồng/tấn, nông dân sẽ phải bù lỗ. Vì vậy, đa dạng cây trồng phù hợp sẽ giúp bà con nông dân có nguồn thu bổ sung, an tâm sản xuất”.

Trên địa bàn thị xã Buôn Hồ hiện có hơn 14.500 ha cà phê (13.000 ha đang thời kỳ kinh doanh, trong số đó khoảng 30% diện tích đã khai thác trên 13 năm cần được tái canh). Cùng với việc vận động nhân dân tích cực thực hiện tái canh, Phòng NN - PTNT thị xã đã có nhiều biện pháp hỗ trợ bà con tái canh hiệu quả như: thường xuyên tổ chức hội thảo giới thiệu ưu điểm của các giống cà phê mới, tập huấn phương pháp, kỹ thuật tái canh, xen canh…, Qua đó giúp người dân tiếp cận với quy trình sản xuất cà phê bền vững. Về phía Hội Nông dân thị xã, từ năm 2016 đã phối hợp với Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, Công ty Nestlé Việt Nam hỗ trợ 50% chi phí mua hơn 300.000 cây giống cà phê cho người dân tái canh...

Ông Y Dhơn Duôn Du (phường An Lạc, TX. Buôn Hồ) đang chăm sóc vườn cà phê tái canh.
Ông Y Dhơn Duôn Du (phường An Lạc, TX. Buôn Hồ) đang chăm sóc vườn cà phê tái canh.

Ông Trương Đình Ry, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Buôn Hồ cho biết, ngoài thực hiện chương trình tái canh cà phê, nhiều nông hộ còn chú trọng kết hợp xen canh các loại cây trồng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, tạo việc làm, ổn định thu nhập, hạn chế rủi ro về giá cả và biến động thị trường. Các loại cây trồng xen trong vườn cà phê tái canh còn giúp che bóng, chắn gió, hạn chế bốc hơi nước và giữ ẩm cho cây cà phê trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Theo kế hoạch, từ năm 2019 - 2020, thị xã phấn đấu mở rộng diện tích tái canh đạt 500 ha. Để tiến độ tái canh đạt kết quả cao, Hội Nông dân thị xã sẽ phối hợp với các ngân hàng giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất, cùng với đó xây dựng mô hình điểm về tái canh cà phê để hướng dẫn nông dân thực hiện tái canh theo quy trình bền vững, khuyến khích các nông hộ áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất…

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.