Multimedia Đọc Báo in

Nông dân sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu

09:14, 13/06/2019

Trước thực trạng khí hậu biến đổi thất thường khiến việc sản xuất, sơ chế, bảo quản sản phẩm nông sản gặp khó khăn, những năm gần đây Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) đã vận động các thành viên sản xuất theo hướng thích ứng với biến đối khí hậu, từng bước thay đổi thói quen canh tác lạc hậu và thiếu bền vững.

Với nhiều hộ dân ở thôn 3 (xã Cư Suê), những năm trước đây, tình hình thời tiết thất thường đã gây nhiều ảnh hưởng đến sản xuất, chất lượng sản phẩm cây trồng. Bên cạnh đó, giá cả thị trường thường xuyên biến động, các mặt hàng nông sản thường bị thương lái ép giá khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, giữa năm 2016, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh (sau đây gọi Hợp tác xã) được thành lập đã tạo nên làn gió mới, mở ra hướng phát triển nông nghiệp nhiều triển vọng cho bà con nông dân. Cũng từ khi tham gia vào Hợp tác xã, lối sản xuất, canh tác nông nghiệp của nhiều hộ dân đã được cải thiện rõ rệt.

Hệ thống lò sấy - đốt biochar góp phần giải quyết vấn đề phơi cà phê cho người dân.
Hệ thống lò sấy - đốt biochar góp phần giải quyết vấn đề phơi cà phê cho người dân.

Chị Triệu Thị Châu, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ, hướng sản xuất của các hộ dân tham gia vào Hợp tác xã là phát triển nông nghiệp hữu cơ, bền vững, thân thiện với môi trường. Cụ thể, các vườn cây của người dân đều được trồng xen canh nhiều loại cây trồng như cà phê xen tiêu, cà phê xen sầu riêng, bơ và các loại cây ăn trái khác để tạo bóng mát; song song đó được lắp đặt, đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm; đặc biệt, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ tự sản xuất từ phế phẩm nông nghiệp để hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân bón hóa học cho cây trồng.

Với vai trò đầu mối liên kết các nông hộ, Hợp tác xã đã biến những vườn cà phê, hồ tiêu nhỏ lẻ do từng hộ dân tự mày mò trồng, chăm sóc theo kiểu “phó mặc cho trời” thành 103 ha cà phê xen hồ tiêu, cây ăn trái của 27 thành viên (có tham gia góp vốn) cho năng suất cao, tạo nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, Hợp tác xã còn liên kết với 118 hộ dân khác tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê và tiêu. Bà Đặng Thị Lan (thành viên Hợp tác xã) cho biết, trước đây, do chưa nắm vững các kỹ thuật cũng như chưa tham gia vào Hợp tác xã, trung bình năng suất các vườn tiêu của gia đình bà và các hộ dân nơi đây chỉ đạt từ 1,5 - 2 tấn/ha, còn bây giờ đã nâng cao lên 2,5 - 3 tấn/ha. Bên cạnh đó, sản phẩm sau thu hoạch đều được đơn vị liên kết với doanh nghiệp thu mua, bao tiêu ổn định với giá thành cao hơn so với thị trường bên ngoài. Hơn thế nữa, mô hình trồng cà phê xen hồ tiêu và các loại cây ăn trái có giá trị cao như sầu riêng, bơ vừa tạo cây che bóng để hạn chế việc tưới nước vừa mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

 

“Mặc dù cây trồng chủ lực của các hộ dân là cà phê và tiêu, thế nhưng những năm gần đây, nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu, mua sắm ô tô, phương tiện sản xuất nông nghiệp hiện đại nhờ sản phẩm thu được từ sầu riêng, một trong những loại cây trồng xen canh có giá trị, hiệu quả cao”.

 
 
Chị Châu khẳng định

Được biết, để nâng cao hiệu quả sản xuất, các thành viên trong Hợp tác xã đều được Ban Chủ nhiệm cử tham gia các lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp bền vững, khuyến nông, tham quan kinh nghiệm làm nông nghiệp tại Viện Nông lâm nghiệp Tây Nguyên... Cùng với đó, Hợp tác xã đã huy động các thành viên góp vốn để đầu tư xây dựng hệ thống lò sấy - đốt biochar với tổng chi phí gần 1 tỷ đồng nhằm chủ động sơ chế cà phê cho các xã viên khi gặp thời tiết bất lợi.

Chị Triệu Thị Châu cho biết: “Khi chưa có lò sấy, sau khi thu hái cà phê, quá trình phơi phải mất thời gian từ 7 - 10 ngày mới đạt độ nhân; chưa kể nếu gặp trời mưa thì càng không phơi được. Hơn 2 năm nay, đến vụ cà phê, chúng tôi đã yên tâm hơn, không còn phải lo lắng thời tiết thất thường vì cà phê của gia đình được sấy khô chỉ trong khoảng thời gian  từ 18 - 22 giờ mà không phải tốn công lao động như phơi thủ công”. Điều đặc biệt nữa là cà phê sau khi thu hoạch được sơ chế bằng lò sấy công nghệ cao nên chất lượng cà phê nhân được đảm bảo hơn; mặt khác lại không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm công lao động, có thêm nguồn phân bón là than sinh học biochar cho cây trồng từ chất đốt trong quá trình sấy.

Vườn cà phê xen sầu riêng xanh tốt của hộ ông Đặng Văn Huy - thành viên Hợp tác xã.
Vườn cà phê xen sầu riêng xanh tốt của hộ ông Đặng Văn Huy - thành viên Hợp tác xã.

Có thể nói, chính việc liên kết sản xuất theo hướng bền vững, đời sống của các thành viên Hợp tác xã không ngừng được nâng cao với thu nhập bình quân các hộ hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Vui mừng hơn nữa là lối canh tác này đã góp phần thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, nhỏ lẻ và tự phát của đa số cộng đồng người Dao ở đây nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nói chung trên địa bàn xã. Từ đó, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.