Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ thương hiệu "Made in Vietnam"

08:26, 07/07/2019

Những ngày qua, dư luận đang rất quan tâm đến việc Công ty điện tử Asanzo sử dụng linh kiện có nhãn mác nước ngoài để lắp ráp sản phẩm rồi dán nhãn “Made in Vietnam” để đưa ra thị trường. Đây là thủ đoạn không mới và cũng không phải là cá biệt, nhưng vấn đề đặt ra là tại sao cứ phải là “Made in Vietnam”?

Không phải ngẫu nhiên mà “Made in Vietnam” được lựa chọn. Bên cạnh yếu tố được ưu đãi về thuế quan khi sản phẩm được sản xuất và tiêu thụ trong nước thì quan trọng hơn chính là sức hút của “Made in Vietnam”. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, những sản phẩm có xuất xứ trong nước đang ngày càng được các nhà phân phối và người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Từ thực tế đó, nhiều doanh nghiệp làm ăn gian dối đã lựa chọn “Made in Vietnam” như là cách để tranh thủ tình cảm của người tiêu dùng rồi hướng đến sử dụng sản phẩm của mình. Ở một góc độ nào đó, có thể coi đây là điều đáng mừng, bởi Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được những hiệu quả nhất định. Tiếc là đã và đang có nhiều doanh nghiệp làm ăn chụp giựt, gian dối lợi dụng “Made in Vietnam” để thu lợi bất chính.

Đành rằng, bất kỳ kiểu làm ăn gian dối nào rồi cũng sẽ bị lật tẩy và thực tế đã chứng minh điều đó. Thế nhưng cứ mỗi lần có sự việc nào đó được đưa ra ánh sáng là một lần niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt lại bị xói mòn đi ít nhiều. Điều đáng nói hơn, tình trạng núp bóng “Made in Vietnam” không chỉ làm sứt mẻ lòng tin của người tiêu dùng mà quan trọng không kém là ảnh hưởng danh tiếng của nhãn hiệu “Made in Vietnam”, danh tiếng không dễ gì để chúng ta tạo dựng được.

Bởi thế, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp cần trân trọng và có trách nhiệm vun đắp, giữ gìn và phát triển “Made in Vietnam”. Cùng với đó, cơ quan quản lý cũng cần có những biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh kịp thời tình trạng “đội lốt” hàng Việt, xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng thương hiệu “Made in Vietnam”. Có như vậy “Made in Vietnam” mới nhận được sự tin yêu của người tiêu dùng, sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế cả hiện tại lẫn trong tương lai.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.