Multimedia Đọc Báo in

Chàng trai Êđê và khát khao xây dựng sản phẩm cà phê gắn với buôn làng

08:42, 06/07/2019

Với mong muốn mang sản phẩm sạch, nguyên chất đến tay người tiêu dùng, anh Y Pôt Niê (buôn Kala, xã Đray Sáp, huyện Krông Ana) đã nỗ lực cho ra đời sản phẩm cà phê bột từ chính những hạt cà phê do gia đình mình tự tay vun trồng, chăm bón.

Từ nhỏ, Y Pôt Niê đã gắn bó với cây cà phê, cùng theo chân các ama, amí lên nương rẫy. Mỗi mùa thu hoạch cà phê xong, anh lại được thưởng thức những ly cà phê nguyên chất theo cách truyền thống mà đồng bào Êđê vẫn thường làm theo phương châm “3 chín” (hái chín, rang chín, hãm chín). Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Đà Nẵng, anh tham gia công tác tại một số bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh và Đắk Lắk. Một lần, anh mang những gói cà phê bột do nhà mình tự trồng, thu hoạch, rang xay để biếu một người bạn ở TP. Hồ Chí Minh và nhận được phản hồi tích cực từ người bạn đó. Người bạn còn đăng lên mạng xã hội Facebook giới thiệu cho bạn bè về cà phê của anh.

Anh  Y Pôt Niê (bìa trái) mời khách thưởng thức sản phẩm  cà phê bột của mình.
Anh Y Pôt Niê (bìa trái) mời khách thưởng thức sản phẩm cà phê bột của mình.

Từ đó, Y Pôt Niê nhận được nhiều cuộc gọi từ những khách hàng xa lạ đặt hàng cà phê bột. Anh Y Pôt tâm sự, từ lâu anh nhận thấy nông dân trồng cà phê ở buôn làng mình quanh năm làm lụng vất vả mà giá cả cứ thất thường, tụt dốc, trong khi đó sản phẩm cà phê bột được bán ở các thành phố lớn lại có giá rất cao. Điều đó khiến anh suy nghĩ: tại sao mình đã làm ra những hạt cà phê rồi mà không biến chúng thành sản phẩm cà phê bột nguyên chất để đưa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất? Những cuộc điện thoại đặt hàng ban đầu đã thôi thúc anh đầu tư, phát triển sản phẩm cà phê bột đặc biệt, mang thương hiệu của mình.

Cùng với việc mang sản phẩm cà phê bột nguyên chất đến tay người tiêu dùng, anh Y Pôt Niê cũng đã tạo việc làm cho 5 lao động tại địa phương trong việc sơ chế, rang xay cà phê. Bên cạnh đó, anh còn kết nối được với khách hàng ở các tỉnh đến buôn làng tổ chức nhiều chương trình từ thiện, trao những phần quà ý nghĩa đến tay bà con trong buôn Kala nơi anh đang sinh sống.

Tháng 2-2019, từ những hạt cà phê do gia đình sản xuất ra trong mùa vụ vừa rồi, anh Y Pôt cho ra đời những mẻ cà phê bột đầu tiên giao cho khách hàng, lắng nghe phản hồi của họ để hoàn thiện sản phẩm sao cho phù hợp với khẩu vị của người uống. Anh Y Pôt Niê chia sẻ, để cà phê có vị ngon, thơm đặc trưng cần phải sơ chế thật sạch trước khi đem rang và phải thật thận trọng trong khâu rang xay cà phê, đặc biệt không được trộn bất kỳ tạp chất nào vào. Tùy khẩu vị của từng độ tuổi mà cho ra sản phẩm với nhiệt độ rang khác nhau, một bên là rang vừa đủ khi hạt cà phê chuyển sang màu nâu sậm, một bên là rang đậm hơn khi thành màu nâu đen sẽ mang vị đắng hơn.

Tiếp đó, anh mạnh dạn đến Cục Sở hữu trí tuệ ở Hà Nội để đăng ký độc quyền nhãn hiệu kinh doanh dòng sản phẩm nông sản sạch, không hóa chất “Êđê Café”. Cùng với đó, anh tích cực quảng bá trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo và tự mình lặn lội đến các cửa hàng trong và ngoài tỉnh tiếp thị, tìm kiếm, kết nối khách hàng.

Sau những kiên trì, cố gắng của bản thân, Y Pôt Niê đã tìm được những khách hàng tiềm năng, gồm cả khách lẻ và sỉ. Đa số khách hàng là chủ các quán cà phê ưa thích dòng sản phẩm cà phê sạch của anh ở nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… Hiện nay, trung bình mỗi tháng anh bán gần 400 kg cà phê bột.

Anh Y Pôt Niê đang rang cà phê.
Anh Y Pôt Niê đang rang cà phê.

Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, anh Y Pôt cho biết sẽ tiếp tục chủ động đi tiếp thị sản phẩm tới các cửa hàng trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường. Anh hy vọng sau này nếu đủ kinh phí sẽ mở rộng quy mô kinh doanh để bảo tồn và đưa nền sản xuất nông nghiệp sạch vươn ra thị trường, không chỉ riêng sản phẩm cà phê mà còn kèm theo các dòng sản phẩm khác như tiêu, bơ, lúa....

Huyền Diệu - Niê Hra


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.