Multimedia Đọc Báo in

Chợ truyền thống: "Nói thách" đến bao giờ?

08:41, 06/07/2019

Niêm yết giá là quy định bắt buộc trong kinh doanh, buôn bán. Thế nhưng vấn đề này lâu nay vẫn bị bỏ ngỏ ở các chợ truyền thống.

Không khó để nhận thấy, hầu hết quầy, sạp kinh doanh ở các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đều không niêm yết giá bán. Vẫn theo thói quen cũ, khi có khách hỏi mua hàng, tiểu thương liên tục ra những giá bán khác nhau. Tình trạng này phổ biến nhất đối với các mặt hàng giày dép, quần áo, túi xách... Từ đó dẫn đến tình trạng "nói thách" ở tiểu thương và thói quen "ngã giá" của người mua khi đến chợ truyền thống.

Tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, chỉ một số mặt hàng lương thực, thực phẩm khô có thực hiện niêm yết giá bán, còn lại hầu hết đều bỏ qua quy định này. Chị Trịnh Phương Nga (một người tiêu dùng ở phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, mua hàng ở chợ vẫn có cái hay riêng, song điều khiến chị ngại nhất khi đến chợ là rất khó xác định được giá trị thật của món hàng, bởi cùng một món hàng, mỗi tiểu thương cho ra một giá bán khác nhau.

Nhiều mặt hàng bày bán tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột không được niêm yết giá.
Nhiều mặt hàng bày bán tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột không được niêm yết giá.

Ở góc độ người bán, chị Nguyễn Thị H., tiểu thương kinh doanh quần áo tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, tâm lý người mua đến chợ xưa nay thường trả giá nên tiểu thương có báo giá hơi cao lên để khách trả xuống… là vừa (!). Song những năm trở lại đây, nhằm cạnh tranh với hệ thống siêu thị để giữ chân khách hàng, tiểu thương ở chợ truyền thống đã bớt “hét giá trên trời” như trước. Thay vào đó, họ chỉ nói cao lên một, vài giá… cho có, vì đằng nào khách mua cũng trả giá.

Chợ Phước An (huyện Krông Pắc) có 400 tiểu thương kinh doanh. Hàng hóa bày bán phong phú, với đủ chủng loại, người bán, người mua nhộn nhịp. Quan sát của phóng viên, việc kỳ kèo trả giá diễn ra như một… thông lệ. Chị Cao Thị Ấn, tiểu thương ở chợ cho hay, hàng bán ra có đến hàng trăm loại, giá lại thay đổi liên tục nên rất khó để niêm yết. Hơn nữa, mỗi tiểu thương nhập hàng ở một nơi khác nhau, về bán lại cho đầu mối sỉ và cả bán lẻ nên không thể niêm yết một mức giá chung. Riêng về hàng thực phẩm tươi sống, giá cứ thay đổi tùy thời điểm sáng - trưa - chiều nên cũng rất khó để thực hiện niêm yết giá bán.

Trao đổi về vấn đề này, theo Ban Quản lý chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, thực hiện nếp buôn bán, kinh doanh văn minh, lịch sự nên Ban Quản lý thường xuyên phát trên loa của chợ; quá trình quản lý, kiểm tra cũng nhắc nhở, vận động tiểu thương không nói thách, không hét giá và tạo thói quen niêm yết giá bán. Tuy nhiên, việc này chỉ thực hiện được ở một số quầy, sạp bán hàng thiết yếu, còn lại thì chưa thể thực hiện được. Một phần do hầu hết tiểu thương đều buôn bán nhỏ lẻ, chiết khấu không cao trong khi đó lại có quá nhiều mặt hàng bày bán. Quan trọng hơn, thói quen mua hàng ở chợ xưa nay vẫn theo kiểu người bán và người mua tự thỏa thuận giá nên rất khó để thay đổi.

Quần áo, giày dép bày bán ở chợ Phước An (huyện Krông Pắc) không được tiểu thương niêm yết giá bán theo quy định.
Quần áo, giày dép bày bán ở chợ Phước An (huyện Krông Pắc) không được tiểu thương niêm yết giá bán theo quy định.

Việc không niêm yết giá và "nói thách" vẫn tồn tại phổ biến là một trong những nguyên nhân góp phần đẩy chợ truyền thống rơi vào cảnh ế ẩm. Vấn đề ở chỗ, để thay đổi thói quen của cả người mua lẫn người bán không phải là việc “một sớm, một chiều”. Trong khi đó, việc kiểm tra ở lĩnh vực giá của cơ quan chức năng tại chợ truyền thống mới chỉ dừng lại ở mức độ cảnh cáo, nhắc nhở. Do đó, để việc niêm yết giá đi vào quy củ, đi đôi với công tác kiểm tra cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở lĩnh vực giá cho tiểu thương và người dân hiểu, chấp hành tốt.

Nghị định 109/2013/NĐ-CP, ngày 24-9-2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn có quy định: phạt cảnh cáo đối với hành vi không niêm yết giá hàng hóa, niêm yết giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm từ lần thứ 2 trở lên; phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân, định giá…


Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.