Sức sống mới ở vùng biên giới (Kỳ 2)
[links(left)]
Kỳ 2: Ổn định an ninh, giữ rừng biên giới
Ngoài mục tiêu hỗ trợ các gia đình thanh niên lập thân, lập nghiệp, nâng cao mọi mặt đời sống, Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) còn đảm bảo một nhiệm vụ quan trọng khác, đó là gắn phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực biên giới.
Phục hồi màu xanh trên những cánh rừng nghèo kiệt
Đứng cạnh cây tếch cao ngang tầm vai người, anh Nguyễn Văn Diện, Đội trưởng Đội Quản lý bảo vệ (QLBV) rừng tự hào khoe, năm vừa qua, anh đã trồng thành công 1.800 cây tếch trên 30 héc-ta rừng nghèo kiệt trong phần diện tích được giao quản lý, bảo vệ. Chỉ ít năm nữa, nơi đây sẽ phủ xanh màu của cây rừng, đóng góp vào nỗ lực phát triển diện tích rừng tại vùng biên giới.
Anh Diện chia sẻ, những năm mới lập làng, tình trạng chặt phá, xâm canh trái phép trên đất rừng diễn ra rất phức tạp. Vì vậy, anh cùng một số thanh niên nhiệt tình, năng nổ khác của làng được Tỉnh Đoàn lựa chọn tham gia Đội thanh niên xung kích, tình nguyện góp sức cùng lực lượng chức năng giữ rừng vùng Dự án. Đến năm 2013, khi UBND tỉnh cấp kinh phí để Tỉnh Đoàn tổ chức quản lý, bảo vệ 1.600 ha rừng nghèo thì Đội QLBV rừng mới chính thức được thành lập.
Để giữ đất rừng, Đội thường xuyên bám sát địa bàn, ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi trồng cây nông nghiệp trái phép, đồng thời trình báo, phối hợp cùng với các lực lượng Biên phòng, Kiểm lâm và chính quyền địa phương xử lý, cưỡng chế thu hồi những phần diện tích bị lấn chiếm. Mỗi thành viên của Đội đều duy trì công việc tuần tra rừng hằng ngày. Chỉ cần nghe có tiếng cưa máy hoặc tiếng động lạ, các anh phải vào tận nơi để kiểm tra. Ngoài ra, các anh cũng kết nối mật thiết với những gia đình có đất canh tác gần rừng hoặc thường chăn thả gia súc ở bìa rừng. Khi bà con báo tin qua điện thoại, các anh nhanh chóng có mặt, kiểm tra, xử lý theo đúng chức trách, nhiệm vụ.
Trục đường chính tại trung tâm Làng TNLN được thảm nhựa và lắp đặt hệ thống chiếu sáng. |
Bên cạnh đó, Đội QLBV rừng còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân không xâm lấn, canh tác hoa màu trong phần diện tích đã được khoanh nuôi. Các anh thường tận dụng mối quan hệ thân tình, lồng ghép khéo léo nhiệm vụ bảo vệ rừng với lợi ích thiết thực của người dân, giúp họ nhận thức được việc giữ rừng là trách nhiệm của mỗi cư dân tại làng, giữ được rừng là giữ được nguồn nước ngầm phục vụ sản xuất và môi trường chăn thả gia súc, góp phần làm chậm quá trình biến đổi khí hậu mà hơn ai hết, bà con nơi vùng khô cằn, khắc nghiệt này luôn cảm nhận rõ. Từ đó, bà con dần nghe theo, trở thành những hạt nhân đồng hành với Đội, cùng góp sức bảo vệ cây rừng, đất rừng.
Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của Đội, số vụ vi phạm về QLBV rừng tại địa bàn ngày một giảm, chỉ phát sinh 1 - 2 vụ việc/năm và đều được ngăn chặn kịp thời. Đội cũng tích cực triển khai phòng chống cháy rừng và trồng rừng theo kế hoạch hằng năm của Tỉnh Đoàn, mở rộng phạm vi che phủ của rừng trên phần diện tích đã bị xâm lấn trước đây.
Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp
Làng TNLN Ia Lốp là một dự án do Trung ương Đoàn triển khai thực hiện trong giai đoạn 2006 – 2009 với tổng kinh phí 24,79 tỷ đồng. Để tạo điều kiện bước đầu về cơ sở hạ tầng, Dự án đã xây dựng 14 km đường giao thông, 17 km đường điện trung và hạ áp, 3 trạm biến áp, 70 giếng khoan, nhà văn hóa, trường mẫu giáo, trạm xá... Năm 2010, khi Dự án hoàn thành, Trung ương Đoàn đã bàn giao lại cho Tỉnh Đoàn Đắk Lắk tiếp quản và thu hút thanh niên đến lập nghiệp với nhiều ưu đãi như: giao 1,5 ha đất sản xuất và 1 sào đất ở có sẵn nhà hoặc hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ tiếp cận khoa học kỹ thuật, cải tạo đất...
Việc tuyển chọn thanh niên tham gia Dự án được Tỉnh Đoàn xét duyệt, thẩm định minh bạch, rõ ràng, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí: có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, đã lập gia đình, có sức khỏe tốt, lối sống lành mạnh, cầu tiến, năng động, sáng tạo. Trong đó, đặc biệt ưu tiên thanh niên tích cực tham gia công tác Đoàn tại địa phương và có trình độ chuyên môn, có tay nghề kỹ thuật để phục vụ bà con tại làng. Chính nhờ việc tuyển chọn kỹ lưỡng, đội ngũ thanh niên lập nghiệp tại làng đều xác định rõ mục tiêu, chăm chỉ lao động, nỗ lực ổn định cuộc sống tại vùng đất mới.
Kể từ khi tiếp nhận Dự án từ Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn luôn chú trọng việc kết nối, thúc đẩy các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế. Ngoài hợp đồng liên kết với Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk, mỗi năm Tỉnh Đoàn phối hợp với các đơn vị tổ chức 2 lớp tập huấn, xây dựng 1 mô hình trình diễn về chăm sóc cây trồng, vật nuôi, nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 75 hộ tại làng vay vốn với tổng dư nợ đến cuối năm 2018 hơn 1,9 tỷ đồng. Tỉnh Đoàn cũng thường xuyên thu hút nguồn vốn và nhân lực tình nguyện từ các đơn vị trực thuộc, thực hiện duy tu đường giao thông, làm sân bóng chuyền, lắp điện chiếu sáng, xây dựng nhà vệ sinh cho điểm trường mầm non tại làng.
Gắn bó với Dự án Làng TNLN Ia Lốp từ những ngày khởi động đến nay, anh Hoàng Quốc Bảo – Phó chánh Văn phòng Tỉnh Đoàn cho biết, về cơ bản Làng TNLN đã đạt được khoảng 80% các mục tiêu đề ra. Trong đó, kết quả quan trọng nhất là giữ chân các gia đình thanh niên cùng đoàn kết, gắn bó xây dựng kinh tế trong vùng dự án. Từ khi lập làng đến nay, an ninh, trật tự tại đây luôn được giữ vững, ý thức cộng đồng và trách nhiệm xã hội của cư dân ngày càng được nâng cao. Hiện Tỉnh Đoàn vẫn tiếp tục cử nhân lực phụ trách theo dõi, hỗ trợ Làng TNLN trong phát triển kinh tế hộ gắn liền với bảo vệ rừng, tiếp tục xây dựng nơi đây thành một điểm sáng về ý chí lập thân, lập nghiệp của thanh niên trong toàn tỉnh.
Hiện nay, 163 hộ dân tại Làng Thanh niên lập nghiệp đã cư trú ổn định, được cấp sổ hộ khẩu và được bảo đảm các quyền lợi về an sinh xã hội kèm theo. Tỉnh Đoàn đang tiếp tục kiến nghị và làm việc với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để thực hiện các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ thuộc Dự án. |
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc