Tạo sinh kế giúp người dân thoát nghèo
Với cách làm “tặng cần câu chứ không cho cá”, thời gian qua, Ban CHQS huyện Cư M’gar đã khuyến khích không ít gia đình có hoàn cảnh khó khăn từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Buôn Pốk B là một trong những buôn khó khăn của thị trấn Ea Pốk, với đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Những năm qua, với vai trò là đơn vị kết nghĩa, Ban CHQS huyện Cư M’gar đã thực hiện nhiều chương trình, hoạt động nhằm giúp đỡ người dân có cuộc sống ổn định.
Chị H’Doen Êban - một người dân ở buôn Pốk B cho biết, chính sách hỗ trợ dê sinh sản của bộ đội thực sự là “cần câu” giúp gia đình vượt qua khó khăn. Vợ chồng chị cùng các con nhỏ sống trong căn nhà xập xệ ở giữa buôn Pốk B. Không công việc ổn định, người chồng đi phụ hồ nay đây mai đó để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống. Biết hoàn cảnh của gia đình chị, năm 2018 Ban CHQS huyện đã cho vợ chồng chị nuôi rẽ một cặp dê giống. Được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách xây dựng chuồng trại nên cặp dê phát triển tốt. Chị H’Doen chia sẻ, từ cặp dê ban đầu, chúng đã sinh sản giúp gia đình có thêm 6 con dê con. Với nguồn vốn tích lũy từ mua bán dê, gia đình chị đã mở rộng chuồng trại chăn nuôi, có tiền trang trải cuộc sống.
Cán bộ Ban CHQS huyện Cư M'gar thăm, hướng dẫn cách chăn nuôi dê sinh sản cho bà con. |
"Cùng với việc tích cực tham gia các hoạt động trong Cụm dân vận, thời gian tới đơn vị vẫn sẽ tiếp tục triển khai mô hình cho mượn con giống vật nuôi trong thời gian 2 - 3 năm. Hy vọng mô hình sẽ giúp đỡ ngày càng nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững".
Trung tá Phạm Tuấn Khiêm, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M’gar
|
Ngoài gia đình chị H’Doen Êban, năm 2018, trên địa bàn buôn Pốk B còn có thêm 5 gia đình cũng được đơn vị hỗ trợ dê sinh sản và bò giống. Với phương châm “Tặng cần tặng cả cách câu”, đơn vị đã cử cán bộ thường xuyên theo dõi địa bàn, động viên, hỗ trợ các gia đình kỹ thuật chăm sóc, kinh phí làm chuồng trại.
Ngắm đàn dê được hỗ trợ, chị H’Mưa Niê không giấu được niềm vui: "Cả hai vợ chồng không có công việc, càng chật vật hơn khi các con còn quá nhỏ. Cũng may có bộ đội quan tâm giúp đỡ. Mới hơn một năm chăn nuôi, nhưng kinh tế gia đình đã đỡ hơn trông thấy. Dê dễ nuôi, thích nghi khí hậu tốt, lại không phải lo đầu ra nên gia đình khá yên tâm và muốn đầu tư lâu dài”.
Giải thích về cách làm của đơn vị, Trung tá Phạm Tuấn Khiêm, Chính trị viên Ban CHQS huyện Cư M’gar cho hay, trước đây đơn vị vẫn thường xuyên tặng cây giống, vật nuôi cho các hộ nghèo, nhưng hiệu quả chưa thực sự cao. Chính vì vậy mà những năm gần đây, đơn vị chuyển qua cho mượn.
Cụ thể, đơn vị phối hợp cùng các tổ chức chính trị xã hội đóng góp kinh phí để mua con giống như: bò, dê, thỏ… cho các hộ nghèo. Sau thời gian cam kết từ 2 - 3 năm, các hộ gia đình sẽ phải trả lại vốn ban đầu để đơn vị tiếp tục giúp đỡ gia đình khác. Cách làm này đã tác động tích cực đến nhận thức, trách nhiệm của từng hộ gia đình, qua đó tạo “đòn bẩy” để bà con cố gắng nhiều hơn, giúp mô hình đạt kết quả tốt nhất.
Ban CHQS huyện phối hợp Hội LHPN huyện Cư M'gar hỗ trợ dê giống cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn buôn Pốk B. |
Bên cạnh đó, vừa qua, Ban Chỉ huy Quân sự huyện còn phối hợp với các đơn vị trong Cụm dân vận đổ bê tông, khoan 8 giếng nước cho các hộ nghèo tại xã Yang Reh (huyện Krông Bông). Cùng với đó, hằng năm đơn vị còn trích quỹ “Hũ gạo vì người nghèo”, sự quyên góp của cán bộ, chiến sĩ, nhà hảo tâm để thăm, tặng hàng chục suất quà cho các đối tượng chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc