Nhìn nhận lại nông nghiệp công nghệ cao
Đà Lạt được xem là thủ phủ nông nghiệp công nghệ cao của cả nước khi ngành Nông nghiệp địa phương luôn chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất từ giống đến đầu tư cơ sở hạ tầng nhà kính, dụng cụ sản xuất…
Tuy nhiên, sau 5 năm phát triển với diện tích nhà kính lên đến 5.000 ha (đứng đầu cả nước) thì hiện nay người Đà Lạt đang phải gồng mình khắc phục những hệ lụy mà nhà kính gây ra. Những thung lũng cây, hoa xanh mát đầy sắc màu biến thành thung lũng trắng do nhà kính mọc lên dày đặc. Môi trường đất, nước, không khí bị ô nhiễm do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhiệt độ bình quân tăng cao… Để cứu vãn môi trường, một số nông dân đang dỡ bỏ nhà kính để sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống, thuận tự nhiên, chủ yếu dựa vào điều kiện đất đai, khí hậu… Dù sớm hay muộn thì đây cũng là sự điều chỉnh dựa trên thực tế mà người dân mong muốn.
Mô hình sản xuất rau tương thích với điều kiện khí hậu, đất đai của người Nhật Bản tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Sự tiên phong của người dân Đà Lạt trong sản xuất nông nghiệp đã và đang để lại bài học cho ngành Nông nghiệp cả nước, bởi đã có thời gian nhà kính được xem là biểu tượng của nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, trên thực tế điều này vẫn chưa đủ bởi mỗi loại cây trồng có những đặc tính sinh học riêng biệt và không phải tất cả những loài cây trồng đều ưa thích nhà kính. Chỉ có những cây thuộc họ Lan (Orchidaceae) hay họ Ráy (Araceae)… phát triển rất tốt trong nhà kính mà không cần sự điều chỉnh nhiều từ người sản xuất.
Xu hướng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao trên thế giới đa phần cũng gắn với nhà kính, nhà lưới nhưng nhà kính mới chỉ là điều kiện ban đầu mà thôi. Đi kèm với nhà kính còn có các giải pháp công nghệ khác và quy mô của nhà kính cũng được điều chỉnh phù hợp, bảo đảm phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường.
Đã có nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế từng cảnh báo rằng đa phần nhà kính ở Việt Nam không phải là nông nghiệp công nghệ cao mà là những công xưởng nông sản bởi lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bị lạm dụng trong nhà kính. Chính sự đốc thúc phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo tiến độ sinh trưởng của cây trồng đã tạo nên năng suất, sản lượng khủng cho các vườn cây và thu nhập của người dân tăng vọt từ 70 triệu đồng lên 170 triệu đồng/sào/năm nếu sản xuất trong nhà kính.
Không thể phủ nhận lợi ích kinh tế mà nhà kính mang lại, nhưng nếu không có sự ràng buộc đi kèm thì sản xuất trong nhà kính giống như đánh đổi môi trường để lấy lợi ích kinh tế. Vì vậy, ngành Nông nghiệp cần xác lập lại định nghĩa nông nghiệp công nghệ cao gắn với quy hoạch vùng để chừa đất cho các loại hình nông nghiệp khác. Bởi việc đa dạng hóa loại hình nông nghiệp sẽ đem lại sự đa dạng về chủng loại nông sản đáp ứng nhu cầu theo từng phân cấp ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Đặc biệt, nó sẽ góp phần bảo vệ đất, nước, môi trường sinh thái cho tương lai.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc