Triển vọng giống cam mới cho canh tác hữu cơ
Trái chín muộn, ruột vàng đậm, độ ngọt cao là những ưu điểm vượt trội của giống cam CT36 do Viện Di truyền Nông nghiệp (trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu, đưa vào sản xuất ở các tỉnh phía Bắc. Giống cam này còn có sức chống chịu sâu bệnh tốt, thích hợp với hình thức canh tác hữu cơ, đang được cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng quan tâm.
Tiến sĩ Hoàng Mạnh Cường, Trưởng Phòng Lâm nghiệp và Cây ăn quả (Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) trong quá trình nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị bạn đã chú ý đến cây cam CT36. Với mong muốn đưa giống cam này vào Tây Nguyên, năm 2014, ông mua 1,3 ha đất tại vùng giáp Thủy điện Sêrêpôk 3 (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn), tiến hành trồng khảo nghiệm 420 cây cam theo phương pháp canh tác hữu cơ, trong đó có 320 cây cam CT36 để có sự so sánh, đánh giá.
Giống cam CT36 trồng theo phương pháp hữu cơ tại vườn của Tiến sĩ Hoàng Mạnh Cường. |
Sau 4 năm chăm sóc, cam bắt đầu cho trái bói. Sang đến năm thứ 5, toàn bộ các cây cam CT36 cho trái đều, đạt năng suất bình quân 70 – 80 kg/cây, chất lượng không thua kém so với cam trồng tại các tỉnh phía Bắc. Tiến sĩ Hoàng Mạnh Cường chia sẻ, so với các giống cam khác được trồng trong vùng, cam CT36 có khả năng chống chịu sâu bệnh và các loại côn trùng chích hút tốt hơn. Đặc biệt, các cây cam CT36 trồng khảo nghiệm không bị bệnh xì mủ nứt thân, một chứng bệnh thường gặp và rất khó xử lý trên những giống cam khác.
Chính nhờ ưu điểm kháng sâu bệnh đã giúp cây cam CT36 ít cần đến sự can thiệp của các loại thuốc bảo vệ thực vật, thích hợp với xu hướng canh tác hữu cơ. Giống cam này lại có sức chống chịu với điều kiện thổ nhưỡng khắc nghiệt, thiếu nước tưới, nhất là những vùng đất sỏi đá pha lẫn phù sa. Bên cạnh đó, điều kiện khí hậu có sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao (từ 5 – 7oC) ở vùng Tây Nguyên còn giúp cho cây tích đường tốt, trái có vị ngọt đậm đà. Hiện tại, giá bán cam CT36 tại vườn của Tiến sĩ Hoàng Mạnh Cường là 35.000 đồng/kg, cao hơn từ 3 – 4 lần giá cam sành được thương lái thu mua cùng thời điểm.
Cây cam CT36 bước đầu đã thích ứng tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng ven Thủy điện Sêrêpôk 3. |
Năm 2017, Tiến sĩ Hoàng Mạnh Cường và các cộng sự tiến hành thực hiện Đề tài khoa học trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu, tuyển chọn giống và hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh chuối, sầu riêng, cam, bơ tại các tỉnh Tây Nguyên phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”. Giống cam CT36 được đưa vào nghiên cứu, khảo nghiệm một cách bài bản hơn. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành trồng thử nghiệm tại mỗi tỉnh 1 ha giống cam này để đánh giá hiệu quả. Anh Đỗ Văn Long (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) cho biết, anh nhận trồng thử nghiệm hơn 500 cây cam CT36 từ nhóm nghiên cứu. Đến nay, tất cả các cây cam đều phát triển tốt và có phần vượt trội hơn giống cam sành anh đang canh tác nhiều năm qua. Nhờ cây kháng sâu bệnh tốt nên anh cũng ít tốn công chăm sóc, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật.
Kết quả khả quan bước đầu của quá trình khảo nghiệm đã khiến nhiều nông dân trồng cam phấn khởi và kỳ vọng giống cam mới có thể thay thế giống cam sành và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Hoàng Mạnh Cường, việc nhân rộng diện tích cam CT36 cần phải có những bước đi chắc chắn, bền vững, tránh tư duy nóng vội, tự phát, nhỏ lẻ như nông dân từng làm trước đây. Trong đó, điều quan trọng nhất là cần quy hoạch vùng trồng tập trung để kiểm soát về quy trình canh tác, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận hàng hóa, xây dựng thương hiệu… mới tạo được lợi thế cạnh tranh tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc