Cây chuối sáp ở vùng biên: Hướng phát triển khả quan
Từ chỗ trồng vài bụi phục vụ gia đình, một số hộ dân tại xã Ia Lốp (huyện Ea Súp) đã nhân rộng mô hình trồng xen chuối sáp trong vườn cây ăn trái để tăng thu nhập.
Khoảng 2 năm trước, anh Dương Văn Chấm mang vài “mồi” chuối sáp từ Bến Tre lên trồng thử nghiệm trên mảnh vườn của gia đình tại thôn Giồng Trôm, xã Ia Lốp. Nhờ chất đất ven suối màu mỡ, cây chuối nhanh chóng bén rễ, cho buồng to, quả đẹp, chất lượng không thua kém chuối sáp trồng ở vùng Tây Nam Bộ. So sánh với các giống chuối xiêm, chuối lùn trong vườn, anh nhận thấy chuối sáp có thân cao, lá đứng, bụi gọn, ít cạnh tranh ánh sáng với các cây trồng khác. Bên cạnh đó, thân và lá chuối sau khai thác sẽ tự phân hủy làm tăng độ mùn, giữ độ ẩm cho đất nên rất có lợi cho các loại cây trồng chính trong vườn.
Anh Dương Văn Chấm thu hoạch chuối sáp trồng xen trong vườn cây ăn trái. |
Từ những bụi chuối sáp đầu tiên, anh Chấm dần nhân rộng trên 2,5 ha vườn cây ăn trái. Đến nay, vườn của anh đã có hơn 200 bụi chuối sáp trên 1 năm tuổi. Anh cho biết, cây chuối “đẻ” cây con rất nhanh. Sau 1 năm kể từ khi xuống giống, cây mẹ cho thu hoạch buồng đầu tiên. Từ năm thứ hai trở đi, mỗi bụi chuối có thể cho thu hoạch 6 buồng/năm. Bình quân mỗi buồng chuối có 10 nải, trọng lượng khoảng 12 kg. Hiện, anh đang bán ngay tại địa phương với giá lên đến 100.000 đồng/buồng.
Đến nay, những diện tích trồng thử nghiệm chuối sáp đều phát triển tốt và chưa ghi nhận tình trạng sâu bệnh nào đáng kể. |
Gần vườn anh Chấm, anh Dương Văn Rạng (thôn Giồng Trôm) cũng bắt đầu nhân rộng cây chuối sáp sau khi thất bại với cây chuối xiêm. Anh chia sẻ, ngay từ khi tự quy hoạch vườn cây ăn trái cho gia đình, anh đã dự tính trồng xen chuối giữa hai hàng cây ăn trái để lấy ngắn nuôi dài. Phần lớn diện tích, anh trồng chuối xiêm và chỉ trồng thử vài bụi chuối sáp do sợ không có nơi tiêu thụ. Năm đầu tiên, anh trúng đậm nhờ bán chuối xiêm vào đúng thời điểm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Song, từ sau rằm tháng Giêng trở đi, chuối xiêm ngày càng rẻ, có thời điểm bán chẳng ai mua, phải mang đi bỏ. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ chuối sáp lại duy trì đều đặn với giá bán khá ổn định. Buồng chuối sáp cũng nhỏ gọn, dễ thu hoạch và vận chuyển hơn chuối xiêm. Vì vậy, anh phá bỏ toàn bộ chuối xiêm để nhân rộng chuối sáp.
Vườn cây ăn trái trồng xen chuối sáp của anh Dương Văn Chấm. |
Kỹ thuật canh tác chuối sáp khá đơn giản nên nhiều người dân tại xã Ia Lốp đã chia sẻ cây giống cho nhau để trồng xen giữa hai hàng cây ăn trái. Chỉ cần bón lót ít phân lân và phân chuồng hoặc phân hữu cơ rồi xuống giống, cây chuối sáp nhanh chóng bén rễ, "đẻ" chồi. Trong quá trình canh tác, cây chuối sáp sẽ hưởng chung nguồn nước tưới, phân bón với các loại cây trồng chính nên không tốn nhiều công chăm sóc.
Ông Ngô Văn Bé, một trong những hộ tiên phong trồng xen cây chuối sáp tại thôn Giồng Trôm cho biết, ông đã thăm dò nhiều bạn hàng ở TP. Buôn Ma Thuột và các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh… được biết giá chuối sáp bán sỉ dao động ở mức 15.000 - 20.000 đồng/kg. Bản thân ông cũng đã trồng khoảng 1.000 bụi trên phần lớn diện tích trồng điều và cây ăn trái. Khi sản lượng chuối sáp của ông và bà con nhiều lên, ông sẽ thu gom và cung ứng cho bạn hàng tại các tỉnh thành để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc