Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Lao đao sau mưa lũ

09:05, 18/11/2019

Mặc dù mưa lớn do ảnh hưởng cơn bão số 6 đã ngớt, nhưng ở huyện Krông Bông, nước từ thượng nguồn vẫn đổ về ngập lụt vùng hạ lưu gây thiệt hại không nhỏ cho người dân.

Nhiều diện tích cây trồng có nguy cơ mất trắng

Mấy ngày gần đây gia đình bà H’Krút Mlô ở buôn Khanh, xã Cư Pui cứ thấp thỏm không yên vì gần 1 ha rẫy trồng sắn và ngô của gia đình đều bị nước lũ ngập trắng, trong khi chỉ còn hơn tháng nữa là sắn bước vào vụ thu hoạch. Sắn với ngô chỉ cần ngập nước lâu là sẽ chết hoặc hư hại hết nên giờ chỉ mong nước nhanh rút xem có vớt vát được củ sắn nào không. Ruộng lúa thì không có nên nếu cả sắn và ngô đều mất trắng hết thì cả gia đình bà chẳng biết trông chờ vào nguồn lương thực nào nữa.

Một tuyến đường nội thôn ngập sâu trong nước gây chia cắt 3 thôn 4,5, 6, xã Hòa Tân.
Một tuyến đường nội thôn ngập sâu trong nước gây chia cắt 3 thôn 4,5, 6, xã Hòa Tân.

Anh Y Then M’drang, Trưởng buôn Khanh cho hay, đợt mưa lũ vừa qua toàn buôn có hơn 40 ha cây trồng bị thiệt hại, trong đó có 23,9 ha sắn, 15,7 ha ngô… Buôn Khanh cũng là một trong những thôn, buôn bị ảnh hưởng nặng nề từ đợt mưa lũ vừa qua trong khi cuộc sống của người dân còn rất khó khăn.

Tại xã Hòa Lễ, dù mưa đã ngừng được 3 ngày nhưng mức nước dâng lên từ các sông, suối vẫn chưa rút. Theo thống kê sơ bộ thì toàn xã có khoảng 70 ha cây trồng vụ đông xuân bị ngập lụt nhưng con số thực tế có thể sẽ cao hơn rất nhiều. Hiện nay, địa phương đang chỉ đạo các thôn, buôn, sau khi nước rút sẽ phối hợp với xã rà soát cụ thể diện tích cây trồng bị thiệt hại để đề nghị huyện hỗ trợ cho người dân từng bước khôi phục sản xuất.

Ông Võ Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Thăng Bình ở xã Cư Kty lo lắng, đợt mưa lớn mấy ngày qua đã làm ngập hơn 25 ha mía của người dân trồng liên kết với Hợp tác xã. Toàn bộ diện tích trên sẽ giảm từ 30 - 70% năng suất nên năm nay nhiều hộ dân trồng mía sẽ thua lỗ nặng và Hợp tác xã cũng bị ảnh hưởng theo.

 
“Nhằm khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, thống kê, đánh giá chính xác về tổng thiệt hại trên địa bàn huyện, đồng thời đề nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh hỗ trợ 13.880 triệu đồng để giúp các địa phương sửa chữa cơ sở hạ tầng và  người dân khôi phục sản xuất”.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Y Thức Êban

Theo số liệu thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông, lượng mưa lớn từ ngày 9 đến 11-11-2019 đã làm cho nước từ các nguồn đổ về và nước các sông, suối dâng lên cao gây ngập 822 ha cây trồng, trong đó có 595 ha sắn, 87 ha lúa nước, 78 ha ngô lai… tổng thiệt hại ước tính lên đến 7.878 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi ngừng mưa mực nước từ thượng nguồn đổ về nhiều hơn làm cho diện tích cây trồng bị ngập lụt tăng. Hiện nay trên địa bàn huyện còn nhiều cánh đồng sắn, ngô ở các xã chưa rút nước, đối mặt với nguy cơ mất trắng.

Cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết, mưa lũ không chỉ gây thiệt hại cho cây trồng mà còn làm hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông và công trình thủy lợi trên địa bàn, trong đó nặng nhất phải kể đến tuyến đường vào hang đá Đắk Tuôr. Mưa lớn kèm nước lũ cuốn đã làm nhiều đoạn đường bị sạt lở nghiêm trọng, ngầm qua sông tại buôn Khóa cũng bị sạt lở. Đến nay, dù mưa đã ngừng nhưng mực nước ở các đoạn sông chảy qua địa bàn vẫn chưa rút, ngầm qua sông vẫn bị ngập sâu trong nước.

Một tuyến đường ở thôn 6, xã Cư Kty ngập sâu trong nước.
Một tuyến đường ở thôn 6, xã Cư Kty ngập sâu trong nước.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông, tính đến ngày 13-11, trên địa bàn huyện đã có 1,2 km đường giao thông bị ngập và sạt lở; 5 km đường giao thông nội đồng ở các xã Hòa Lễ, Hòa Phong, Ea Tul, Yang Reh bị hư hỏng, một số tuyến đường khác trở nên lầy lội gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn bị trôi, sạt lở. Tổng thiệt hại về giao thông và thủy lợi trên địa bàn ước tính lên đến 12.900 triệu đồng.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.