Xây dựng nông thôn mới: Khi nông dân phát huy vai trò chủ thể
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Hội Nông dân xã Ea Ô (huyện Ea Kar) đã vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia nhiều hoạt động, phong trào; góp phần cùng địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM.
Hội Nông dân xã Ea Ô hiện có 1.582 hội viên sinh hoạt tại 21 chi hội. Hội chú trọng tuyên truyền sâu rộng đến từng hội viên, nông dân để tạo được sự đồng thuận, tự giác tham gia, nổi bật là xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn.
Với phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định", trong đó sự tham gia của hội viên nông dân chiếm 81%, từ năm 2013 đến 2018, Hội Nông dân xã đã vận động được 1.200 gia đình hội viên, nông dân tự nguyện hiến 24,3 ha đất, chặt bỏ hơn 13.000 cây trồng, đóng góp 4.800 ngày công… tổng trị giá hơn 20 tỷ đồng để xây dựng các công trình.
Tiêu biểu như thôn 12, chi hội nông dân đã cùng Ban tự quản thôn đến từng hộ dân vận động đóng góp tiền, ngày công, hiến đất, di dời tường rào, cổng trụ… để làm đường, xây dựng nhà văn hóa, vỉa hè, hệ thống kênh thoát nước… với tổng số tiền gần 7,4 tỷ đồng. Đến nay các tuyến đường chính đã được đổ bê tông rộng rãi, thẳng tắp, có đủ đèn chiếu sáng, cây xanh.
Một tuyến đường của thôn 12, xã Ea Ô (huyện Ea Kar) do người dân đóng góp xây dựng. |
Hằng năm, các chi hội còn đăng ký đảm nhận tự quản, bảo dưỡng và tu sửa các tuyến đường giao thông giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân bảo đảm an toàn; vận động hội viên, nông dân thực hiện mô hình “Đẹp nhà, sạch đường, sạch ruộng nương” thông qua việc thường xuyên dọn dẹp rác thải, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật xung quanh nơi ở, nơi trồng trọt cũng như trồng hoa, cây xanh dọc tại các trục đường ngõ xóm… nhằm tạo cảnh quan, góp phần bảo vệ môi trường.
Cùng với việc triển khai xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, Hội Nông dân xã cũng chú trọng thành lập các mô hình kinh tế tập thể để nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người dân. Hiện, trên địa bàn xã Ea Ô có 3 hợp tác xã (HTX), 8 tổ hợp tác (THT) trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ. Từ khi thành lập đến nay, các tổ chức kinh tế tập thể đã chủ động tìm kiếm thị trường, ký kết hợp đồng liên kết với các công ty, doanh nghiệp để nhận hỗ trợ về vật tư, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm; huy động nguồn vốn từ người dân mua sắm máy móc, trang thiết bị để thực hiện các dịch vụ nông nghiệp… Qua đó đều hoạt động hiệu quả và liên tục có lãi như HTX Nông nghiệp Thành Lợi, THT Đại Đồng Tiến, Tổ liên kết nuôi bò vỗ béo…
Ông Lê Hoài Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Ô
|
Ngoài ra, Hội còn hình thành các mô hình liên kết bao tiêu trong thu mua giữa doanh nghiệp với bà con nông dân để bảo đảm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp (gấc, cà tím, chanh dây, đinh lăng). Đơn cử như mô hình bao tiêu sản phẩm chanh dây cho người dân trên địa bàn xã.
Được biết, từ năm 2015 một số hộ dân tại các thôn 5A, 5B, 14 đã chuyển đổi những diện tích trồng đậu, bắp kém năng suất sang trồng chanh dây, với tổng diện tích 22 ha. Tuy nhiên, khi chanh dây bắt đầu cho thu hoạch, thì giá lại xuống thấp chỉ còn 2.000 đồng/kg và bị thương lái ép giá khiến người trồng rơi vào cảnh thua lỗ.
Trước tình hình đó, Hội đã gặp gỡ, trao đổi với Cơ sở chế biến chanh dây Hoa Lập (thôn 8) để nhận bao tiêu sản phẩm chanh dây cho bà con với giá bảo hiểm từ 5-6.000 đồng/kg giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.
Ông Đỗ Đức Sản (thôn 5B) cho biết: “Mỗi sào chanh dây đạt năng suất từ 14-15 tấn. Với giá bán 5.500 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí sản xuất, người trồng thu lãi trên 50 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác”.
Mô hình trồng gấc của người dân thôn 11 cho hiệu quả kinh tế. |
Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Hội đã vận động hội viên, nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm (bò vỗ béo, gà thả vườn, sản xuất lúa giống, rau an toàn…) để thay đổi tư duy sản xuất của người dân; góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo.
Nhờ vậy, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 7%, thu nhập bình quân đầu người đạt 36,5 triệu đồng/năm; số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng nhiều. Như hộ ông Nguyễn Viết Thành (thôn 4) đã mạnh dạn phá bỏ 3 ha đất cà phê già cỗi để trồng cam quýt, thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm; hộ ông Nguyễn Bá Sơn tận dụng diện tích mặt nước hồ Ea Ô thả cá nước ngọt, thu hoạch từ 40-50 tấn cá/năm, thu nhập đạt vài trăm triệu đồng...
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc