Multimedia Đọc Báo in

Đổi thay nhờ nông thôn mới

07:21, 27/01/2020

Từng được ví như “ốc đảo” giữa núi rừng, không điện, không đường, không xe máy... thế nhưng buôn Kiều (xã Yang Mao, huyện Krông Bông) hôm nay đã thực sự “thay da đổi thịt”…

Con đường Đông Trường Sơn rộng 15m uốn lượn qua cánh đồng lúa, ngô bát ngát đưa chúng tôi từ trung tâm xã Yang Mao vào buôn Kiều chỉ khoảng 5 phút đi xe máy. Những ngôi nhà mái ngói san sát hiện dần ra giữa màu xanh trùng điệp của dãy Chư Yang Sin hùng vĩ. 

Ông Y Phú Êban, Bí thư Chi bộ buôn Kiều nhớ lại: Cách đây hơn 10 năm, buôn Kiều chỉ có khoảng dăm chục nóc nhà, tất cả đều là vách nứa mái tranh. Đường đi chỉ là lối mòn nhỏ đầy cỏ dại. Do tập quán canh tác lạc hậu nên đời sống của người dân vô cùng khó khăn... Thế nhưng giờ đây diện mạo của buôn Kiều đã khác. Tất cả những đổi thay này phần lớn nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại.

Một trong những tuyến đường ở buôn Kiều được bê tông hóa.
Một trong những tuyến đường ở buôn Kiều được bê tông hóa.

Buôn hiện có 118 hộ đều là người dân tộc M’nông, tất cả đều đã được kéo điện đến tận nhà; 90% các tuyến đường nội buôn được bê tông rộng rãi; nhà văn hóa cộng đồng xây dựng kiên cố; trường học mầm non và tiểu học được đầu tư khang trang… Điều vui hơn cả là người dân buôn Kiều đã biết thay đổi cách nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, đưa các giống lúa, ngô, cà phê, ca cao, mít Thái... năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, phát triển kinh tế.

Ông Y Drai M’Drăng, Chủ tịch UBND xã Yang Mao cho hay, cùng với việc đầu tư xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Krông Bông cũng có chủ trương đưa buôn Kiều trở thành điểm du lịch sinh thái nông thôn mới gắn với văn hóa dân tộc M’nông. Trong giai đoạn từ năm 2015 - 2020, địa phương đã khéo léo lồng ghép nguồn hỗ trợ từ các chương trình 30a, 135, 134 của Chính phủ… để xây dựng buôn Kiều thành khu dân cư kiểu mẫu, thực hiện tốt các tiêu chí như: Môi trường, an ninh trật tự, giáo dục, y tế, văn hóa… Chính quyền địa phương cũng đã hỗ trợ tu sửa 30 nhà dài truyền thống; mở các lớp dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm, tổ chức duy trì các lễ hội văn hóa của người M’nông. 

Vườn cà phê của người dân buôn Kiều.
Vườn cà phê của người dân buôn Kiều.
 
“Thời gian gần đây buôn Kiều đã trở thành điểm lý tưởng cho các bạn trẻ đến du lịch, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú, trải nghiệm nét đẹp văn hóa truyền thống của người M’nông - điều mà trước đây chưa hề có”.
 
Ông Y Drai M’Drăng, Chủ tịch UBND xã Yang Mao

Hưởng ứng chủ trương phát triển du lịch sinh thái, hiện nay đã có 81 hộ trong buôn Kiều đăng ký với địa phương tham gia. Hơn một năm nay, ông Y Gên Byă ở buôn Kiều đang tập trung chăm sóc 1 ha cà phê xen canh 80 cây mít Thái, 60 cây ca cao và khoảng 300 cây cam sành. Theo ông Y Gên, các loại cây trồng trong vườn phát triển khá tốt, ít sâu bệnh, rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Dự kiến năm sau vườn cây sẽ cho thu hoạch, vừa giúp gia đình phát triển kinh tế, vừa để khách tham quan đến trải nghiệm, thưởng lãm. Còn nghệ nhân H’Bơi Niê (80 tuổi ở buôn Kiều) cũng không giấu được niềm vui: Khi địa phương có chủ trương phát triển buôn Kiều thành làng du lịch sinh thái nông thôn mới gắn với văn hóa, phong trào dệt thổ cẩm trong buôn diễn ra sôi nổi hẳn. Đây là cơ hội để người M’nông lưu giữ, quảng bá sản vật và nghề dệt truyền thống của mình…

Nhiều bạn trẻ ở TP. Buôn Ma Thuột đến buôn Kiều du lịch và tham gia các hoạt động với người dân
Nhiều bạn trẻ ở TP. Buôn Ma Thuột đến buôn Kiều du lịch và tham gia các hoạt động với người dân.

Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, với lợi thế về thiên nhiên, lịch sử, đường giao thông, nét đẹp văn hóa truyền thống của người M’nông thì buôn Kiều rất phù hợp để phát triển làng du lịch sinh thái nông thôn mới gắn với văn hóa bản địa. Du lịch sinh thái cộng đồng là mô hình phát triển dựa vào môi trường tự nhiên của cộng đồng địa phương, trong đó, người dân bản địa là nhân tố quan trọng, họ trực tiếp tham gia vào quá trình giới thiệu, cung cấp sản phẩm và hướng dẫn du khách trải nghiệm, đồng thời cũng là đối tượng chính hưởng lợi. Trong giai đoạn 2020 - 2025, về quy hoạch phát triển du lịch, Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh triển khai dự án đưa làng du lịch sinh thái buôn Kiều trở thành điểm du lịch trọng tâm. Hứa hẹn sẽ tạo việc làm và nguồn thu nhập cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và bảo tồn các giá trị văn hóa nơi đây.

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.