Multimedia Đọc Báo in

Tăng thu nhập từ mô hình nuôi dế

06:38, 14/04/2020

Tận dụng phần gác mái trong xưởng cơ khí của gia đình, anh Trần Văn Thụ ở thôn 5, xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) đã mạnh dạn thử nghiệm mô hình nuôi dế và bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Anh Thụ làm nghề cơ khí từ nhiều năm nay nhưng việc làm ăn gần đây ngày càng khó khăn nên anh muốn tìm thêm một hướng đi mới để tăng thu nhập cho gia đình. Qua tìm hiểu sách, báo, trên mạng Internet, anh nhận thấy việc nuôi dế khá đơn giản, không tốn nhiều diện tích, nhu cầu thị trường lớn mà nguồn cung còn hạn chế nên anh quyết định thử nghiệm.

Nói là làm, vào khoảng tháng 11-2019, anh Thụ lặn lội tìm đến một số hộ dân nuôi dế ở Cần Thơ để học hỏi kinh nghiệm và chọn mua 2 ổ dế giống với số tiền 500.000 đồng về nuôi. Anh tự làm thùng nuôi dế với khung sắt, lớp lót sàn bằng gỗ sau đó phủ bịch bóng và đặt các vỉ trứng gà vào trong thùng để tạo nơi ẩn nấp và sinh sản cho dế. Thùng nuôi dế có nắp đậy rổ vừa ngăn các sinh vật bên ngoài tấn công đàn dế vừa lưu thông không khí. Mỗi thùng nuôi dế của anh có chiều rộng 1 m, dài 3 m và cao 0,6 m so với mặt đất. Nguồn thức ăn của dế cũng rất đa dạng, phong phú và có sẵn trong tự nhiên như: các loại rau xanh, củ, quả, lá cây… nhưng nguồn thức ăn phải bảo đảm an toàn vì dế rất mẫn cảm với các loại rau củ quả nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Thời gian ấp trứng đến lúc dế nuôi cho thu hoạch là 30 - 35 ngày đối với dế thịt và 40 - 45 ngày với dế trứng.

Anh Trần Văn Thụ chăm sóc đàn dế nuôi.
Anh Trần Văn Thụ chăm sóc đàn dế nuôi.

Sau một thời gian nuôi, anh Thụ thấy nuôi dế khá đơn giản, đàn dế ít bị dịch bệnh, sinh trưởng tốt, không tốn nhiều thời gian chăm sóc mà anh vẫn có thời gian làm nghề cơ khí và chăm sóc hơn 1 ha cà phê xen hồ tiêu.

Trong lứa nuôi đầu tiên, anh đã xuất bán 20 kg dế thịt với giá bán 120.000 đồng/kg. Hiện anh Thụ đang nuôi 10 thùng dế, dự kiến mỗi thùng cho xuất trên 10 kg dế thịt với giá bán 150.000 đồng/kg. Dự tính 10 thùng dế này sẽ mang lại cho anh khoản lãi trên 12 triệu đồng chỉ trong thời gian khoảng hơn 1 tháng nuôi. Điều đáng mừng là thị trường dế rất thuận lợi, bởi nhiều người dân trên địa bàn xã và các tỉnh, thành khác biết đến mô hình nuôi dế của anh đã liên hệ để đặt mua.

Anh Thụ dự tính trong thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư phát triển nuôi dế với quy mô khoảng 100 thùng và thực hiện nuôi phân loại từng sản phẩm dế gồm: dế thương phẩm (dế thịt và dế trứng), dế nhỏ phục vụ cho việc nuôi chim cảnh, nuôi cá cảnh và dế thải (dế đã đẻ trứng) để làm nguồn thức ăn phục vụ cho chăn nuôi.

H’Xiu Êban


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.