Multimedia Đọc Báo in

Vận tải hành khách bằng ô tô: Chật vật mùa dịch

08:55, 01/04/2020

Tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, do đó nhu cầu đi lại của người dân sụt giảm mạnh, khiến hoạt động vận tải nói chung, vận tải hành khách bằng xe ô tô nói riêng bị ảnh hưởng lớn, nhiều nhà xe buộc tạm dừng hoạt động.

Từ đầu tháng 3-2020 đến nay, tình hình khách đi lại tại các bến xe giảm mạnh, lúc cao nhất chỉ được khoảng 40%, có thời điểm chỉ được 20%. Tại Công ty Cổ phần Bến xe liên tỉnh, những ngày qua, hàng loạt nhà xe phải tạm dừng hoạt động hoặc chạy ghép khách. 

Cảnh đìu hiu ở Bến xe liên tỉnh.
Cảnh đìu hiu ở Bến xe liên tỉnh.

Tính đến cuối tháng 3 có ít nhất 5 nhà xe xin tạm dừng hoạt động các tuyến từ Đắk Lắk đi Quy Nhơn, Hà Nội, Gia Lai, Đà Nẵng và Bình Định. Đơn cử như nhà xe Thái Hồng Sơn (TP. Buôn Ma Thuột) ngày thường có 4 chiếc chạy tuyến Buôn Ma Thuột – Đà Nẵng, nhưng mấy ngày cuối tháng 3 chỉ chạy 1 chiếc để duy trì tuyến và giữ khách. Trong khi đó, lượng khách cũng chỉ được khoảng 50%, tính các chi phí nhiên liệu, lương tài xế, phụ xe, khấu hao xe… thì nhà xe không có lãi, thậm chí phải bù lỗ. 

Tương tự, nhà xe Thành Công chạy tuyến Bảo Lộc – Buôn Ma Thuột và ngược lại cũng xin tạm dừng hoạt động từ tháng 3-2020 do không có khách đi. Bên cạnh đó, không ít nhà xe vì muốn giữ khách, vẫn gắng gượng hoạt động cầm cự, nhưng có những thời điểm không hề có người đi nên liên tục “rớt tài”. Đơn cử như nhà xe Quốc Đạt chạy tuyến Buôn Ma Thuột – Đà Nẵng 5 ngày đêm liên tục đậu xe tại bến nhưng đến giờ xuất phát không có khách đi nên phải báo với bến “rớt tài”. 

Bà Ngô Thị Huệ, Phó Phòng Kế hoạch và Điều độ (Công ty Cổ phần Bến xe liên tỉnh) cho biết, hơn một tuần nay (từ ngày 20-3 đến 27-3) các xe tại bến xảy ra tình trạng “rớt tài” liên tục. Ngày 27-3, riêng của công ty có đến 2 xe tuyến Buôn Ma Thuột – Nha Trang và Buôn Ma Thuột – Gia Lai bị “rớt tài” do không có khách nào đi. Thực tế, hầu hết các xe xin tạm dừng tuyến và “rớt tài” trước đó, lượng khách có khi chỉ được 20% số ghế, song vì để giữ “mối” nên nhà xe đã cố cầm cự. Tuy nhiên, khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, số lượng người dân đi lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí không có ai đi thì buộc phải tạm dừng hoạt động. Nhằm tạo điều kiện cho nhà xe, tổ chức, cá nhân hoạt động tại Bến, Công ty Cổ phần Bến xe liên tỉnh đã thực hiện giảm 20% giá thuê bến bãi.

Không chỉ xe khách đường dài, tất cả các xe buýt trên địa bàn tỉnh cũng cùng chung tình trạng vắng khách. Vào ngày thường, đối tượng khách của xe buýt là học sinh, sinh viên và giáo viên chiếm khoảng 20%, do đó khi các trường đóng cửa để phòng, chống dịch thì tất cả vé tháng của đối tượng này đều được điều chỉnh sang thời gian khác. Cùng với đó, từ đầu tháng 3 do dịch diễn biến ngày càng phức tạp, hầu hết người dân hạn chế đi lại, chỉ di chuyển trong trường hợp thật cần thiết nên tỷ lệ khách đi xe sụt giảm nghiêm trọng.

Đơn cử tại Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Đắk Lắk có 120 xe buýt, nhưng do lượng khách giảm mạnh, từ sau dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, đơn vị chỉ có 90 xe hoạt động, các xe còn lại ở trạng thái dự phòng. Đặc biệt, từ đầu tháng 3 đến nay, lượng khách tiếp tục giảm mạnh, khả năng phải tạm dừng hoạt động một số phương tiện trong thời gian tới là khó tránh khỏi.

Ông Nguyễn Đình Bé, Giám đốc công ty cho biết, việc giảm tần suất chuyến hoặc tạm dừng hoạt động chỉ là bất đắc dĩ. Nếu tiếp tục hoạt động trong điều kiện lượng khách giảm mạnh thì công ty phải bù lỗ một khoản chi phí không hề nhỏ. Còn nếu cho tạm dừng hoạt động thì việc giải quyết chế độ cho người lao động rất khó khăn, phức tạp. Tại HTX Vận tải hàng hóa và hành khách Cư Mil (huyện Ea Súp), theo ước tính sơ bộ, từ giữa tháng 3 đến nay, trung bình 1 chuyến xe chạy trong mùa dịch phải bù lỗ 1 triệu đồng.

Quầy bán vé tại Bến xe liên tỉnh vắng người qua lại.
Quầy bán vé tại Bến xe liên tỉnh vắng người qua lại.

Ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã tổng hợp những khó khăn của các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh theo từng loại hình, có văn bản gửi Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam để trình cơ quan chức năng và Chính phủ xem xét, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, xem xét việc giãn nợ các khoản vay ngân hàng đối với nhà xe vay vốn để mua phương tiện và miễn, giảm một số loại thuế phí liên quan đến hoạt động vận tải hành khách trong tình hình dịch diễn biến phức tạp.

Hàng trăm xe taxi tạm dừng hoạt động

Do tình hình dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm xe taxi tạm dừng hoạt động.

Cụ thể, tại Công ty TNHH Taxi du lịch Quyết Tiến, tính đến cuối tháng 3-2020 đã có 200/500 xe tạm dừng hoạt động; Chi nhánh Công ty Cổ phần tập đoàn Mai Linh tại Đắk Lắk có 100/480 xe hợp tác tạm dừng hoạt động.

Trước những khó khăn của tài xế và chủ xe, các doanh nghiệp đã chủ động giảm lệ phí quản lý cho người lao động, bắt đầu áp dụng từ ngày 1-4-2020. Cụ thể, tại hãng Taxi Quyết Tiến giảm 50% lệ phí (từ 1,5 triệu đồng xuống còn 750.000 đồng/tháng); Taxi Mai Linh giảm 60% (từ 1,4 triệu đồng xuống còn 560.000 đồng/tháng). Đồng thời điều chỉnh tỷ lệ chia đối với lao động sử dụng xe của doanh nghiệp tương ứng 60% (tài xế) và 40% (công ty), trước đây tỷ lệ này là 50-50%.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.