Xã Dliê Ya chủ động các phương án chống hạn cho cây trồng
Xã Dliê Ya (huyện Krông Năng) có tổng diện tích tự nhiên 8.625 ha; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 6.412 ha. Phần lớn người dân làm nông nghiệp nên việc phòng, chống hạn cho cây trồng được đặc biệt chú trọng.
Hiện nay, xã Dliê Ya có 13 công trình thủy lợi (CTTL), trong đó 10 công trình do Hợp tác xã Nông nghiệp (HTX NN) Thành Công quản lý. Các công trình có bình quân chiều dài là 156 m, chiều rộng 5 m và chiều cao là 12 m, trữ lượng nước 200.000 m3.
Theo chia sẻ của ông Phan Văn Quân, Chủ nhiệm HTX NN Thành Công, nắng nóng kéo dài nên khả năng chứa nước của những đập trên địa bàn xã có hạn. Để chủ động ứng phó với tình hình, ngay từ đầu năm, HTX đã lập phương án chống hạn như: xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ hằng tuần, hằng tháng; không để hộ dân xâm hại, lấn chiếm hay có hành vi phá hoại các công trình thủy lợi; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng pháp luật về quản lý, bảo vệ các công trình thủy lợi, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm hành lang an toàn hồ đập, hành vi xả chất thải gây ô nhiễm đến nguồn nước…; cắt cử cán bộ các ngành chuyên môn bám cơ sở để hướng dẫn, đôn đốc người dân thực hiện các giải pháp bổ sung nguồn nước; điều tiết lịch cấp nước kịp thời.
Ông Nguyễn Phi Phong sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm cho cây trồng. |
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền nhân dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hợp lý; tập trung tưới đồng loạt theo lịch điều tiết nước tại hệ thống kênh dẫn của các công trình thủy lợi. Đối với những diện tích lúa không đảm bảo nguồn nước, địa phương vận động nhân dân chuyển đổi sang các loại cây trồng cạn ngắn ngày như: rau, đậu… để tập trung nước cho những vùng cây trồng chủ lực.
Cùng với sự nỗ lực của các đơn vị chức năng, người dân cũng chủ động chống hạn bằng cách sử dụng mô hình tưới nước nhỏ giọt tiết kiệm. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Phi Phong (buôn Ea Ruế) có hơn 1 ha cà phê trồng xen hồ tiêu. Thay vì phải kéo ống tưới nước, ông đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho toàn bộ vườn. Trên diện tích 1 ha, ông lắp 1.200 béc, cứ 8 tiếng lại tưới được 400 gốc cà phê. Ông Phong cho hay, gia đình đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt gần 2 năm nay, áp dụng phương pháp tưới này rất chủ động, lại tiết kiệm được công sức, đưa đủ nước và phân bón đến từng gốc cây. Cà phê, tiêu sinh trưởng tốt, phát triển đồng đều nhờ được giữ ẩm thường xuyên. Không chỉ vậy, còn giảm được 50% thời gian làm việc ngoài vườn, tiết kiệm 50% tiền điện bơm nước, giảm 80% chi phí nhân công tưới.
Nắng nóng kéo dài đang khiến nguồn nước tưới suy giảm. Đập Ea Pan, được xây dựng từ năm 1999, phục vụ tưới cho gần 166 ha cà phê và gần 13 ha lúa. Hiện nay, cây trồng trong khu vực đã được tưới xong đợt 1 và đợt 2, còn khoảng 30% nước đủ phục vụ cho tưới đợt 3, nếu trời không mưa sẽ thiếu cho đợt 4. Hay như đập Ea Toa, có hệ thống kênh mương dài 1.500 m, mới được sửa chữa năm 2019; phục vụ nước tưới cho 30,6 ha lúa, 116,45 ha cà phê và 0,92 ha hoa màu. Dù là hồ sinh thủy nhưng đến thời điểm này lượng nước đã bị giảm, chỉ còn khoảng 50% dung tích.
Hệ thống kênh mương 1.500 m của đập Ea Toa góp phần cung cấp nước tưới cho cây trồng. |
Hiện lượng nước trong 5 hồ chứa vừa và lớn còn khoảng 50 - 70%, các hồ chứa nhỏ còn dưới 40% dung tích thiết kế. Nếu trong 1 tháng tới trời không mưa, xã sẽ đối mặt với tình trạng hạn hán, không còn khả năng cung cấp nước phục vụ tưới tiêu.
Theo ông Đặng Văn Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Dliê Ya, áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm là một trong những cách chống hạn cho cây trồng hiệu quả. Ngoài phương án chống hạn chung trên địa bàn, UBND xã cũng đã có công văn yêu cầu các thôn, buôn lập phương án chống hạn; kêu gọi bà con sử dụng nước tiết kiệm, nạo vét kênh mương… để đảm bảo nước tưới cho cây trồng.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc