Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng thị trấn Krông Kmar trở thành đô thị loại IV: Sớm gỡ "nút thắt" về quy hoạch

06:39, 14/04/2020

Thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông) được thành lập ngày 9-1-1998. Sau 20 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc thị trấn đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đưa thị trấn Krông Kmar trở thành đô thị loại V và hiện nay đang tiếp tục hướng tới mục tiêu đạt đô thị loại IV vào năm 2030. Tuy nhiên, quá trình thực hiện mục tiêu này đang gặp nhiều khó khăn.

Những nỗ lực bước đầu

Thị trấn Krông Kmar hiện có 8 tổ dân phố với 1.887 hộ, 6.638 khẩu. Tính đến cuối năm 2019, tổng giá trị sản xuất đạt 99,68 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt gần 35 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều còn 10,34%; các dịch vụ y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của người dân. Ngày 7-1-2018, thị trấn Krông Kmar được UBND tỉnh công nhận đạt đô thị loại V và đón nhận danh hiệu thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Đường đi qua trung tâm thị trấn Krông Kmar.
Đường đi qua trung tâm thị trấn Krông Kmar.

Ông Vũ Xuân Triều, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Krông Kmar cho biết, trong những năm qua, địa phương đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ cấp ủy, chính quyền từ huyện đến tỉnh, đặc biệt là việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, chỉnh trang đô thị… Cụ thể, tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng gần 2 km đường trung tâm thị trấn, vỉa hè, cây xanh và 20 trục đường nội thị trấn; huyện đầu tư gần 11 tỷ đồng để xây dựng Hoa viên thị trấn và Trường Tiểu học Lê Hồng Phong… Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ 2015 - 2020, thị trấn đã bê tông hóa gần 1,7 km đường giao thông, với tổng số tiền gần 2,5 tỷ đồng; xây dựng mới và sửa chữa 7 phòng học, với tổng số tiền trên 124 triệu đồng; xây dựng một cầu treo ở tổ dân phố 6, trị giá trên 4 tỷ đồng; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan xây dựng 4,2 km kè bờ tả suối Krông Kmar; huy động nhân dân tu sửa đường giao thông nội đồng. Hiện nay đường giao thông trong thị trấn đã được nhựa hóa và bê tông hóa 75%. Ngoài ra, thị trấn còn đầu tư xây dựng điện chiếu sáng công cộng tại một số tổ dân phố; hoàn thành việc đặt tên đường, gắn biển số nhà trên toàn thị trấn; hệ thống cấp nước cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phục vụ sản xuất đạt trên 95%... Bên cạnh đó, một số quy hoạch các cơ quan, đơn vị, khu chức năng của đô thị cũng được huyện, tỉnh điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế.

 
 "Để phấn đấu đưa thị trấn Krông Kmar trở thành đô thị loại IV, trong thời gian tới huyện sẽ đề xuất UBND tỉnh đề nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chủ trương mở rộng diện tích thị trấn, đồng thời tiến hành điều chỉnh các quy hoạch đã có và kêu gọi mọi nguồn lực để đầu tư phát triển đô thị Krông Kmar".
 
Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long

Được biết, để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển cho thị trấn cũng như toàn huyện và tạo tiền đề thu hút các nhà đầu tư, UBND huyện Krông Bông đã trình HĐND huyện ban hành Nghị quyết thông qua Đề án phát triển du lịch huyện Krông Bông giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu dân cư Hồ trung tâm thị trấn Krông Kmar, trong đó tập trung vào các giải pháp chủ yếu như đầu tư hạ tầng đồng bộ; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước... Trong năm 2020, huyện sẽ đầu tư lắp đặt màn hình led ở Hoa viên trung tâm thị trấn, xây dựng đường hoa vào thác Krông Kmar và mở rộng các đoạn đường nội thị với hy vọng từ những nỗ lực trên sẽ tạo tiền đề cho các nhà đầu tư quan tâm đến những dự án trên địa bàn.

"Áo" đã quá "chật"

Theo định hướng của UBND tỉnh trong Chương trình phát triển đô thị trên địa bàn thì đến năm 2030, thị trấn Krông Kmar sẽ phấn đấu trở thành đô thị loại IV. Tuy nhiên, theo Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Bông Nguyễn Văn Nguyên, hiện nay diện tích của thị trấn Krông Kmar quá nhỏ, chỉ có 558 ha, trong đó đất ở chỉ chiếm 44,52 ha; đến nay thị trấn mới chỉ có 6.638 người trong khi theo tiêu chuẩn đô thị loại IV (được quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị) thì quy mô dân số toàn đô thị phải đạt từ 50.000 người trở lên; khu vực nội thị (nếu có) đạt từ 20.000 người trở lên và mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 1.200 người/km2 trở lên; khu vực nội thị (nếu có) tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 6.000 người/km2 trở lên... Như vậy, tính riêng về tiêu chí dân số thì trong 10 năm tới dân số thị trấn phải tăng gần 8 lần so với hiện nay; kéo theo diện tích tổng thể của thị trấn (tính theo tiêu chí mật độ dân số) cũng phải gấp gần 8 lần. Chỉ có thể thực hiện được các tiêu chí này bằng giải pháp quy hoạch chứ không thể bằng giải pháp nào khác.

Hoa viên thị trấn Krông Kmar.
Hoa viên thị trấn Krông Kmar.

Chủ tịch UBND thị trấn Krông Kmar Vũ Xuân Triều chia sẻ thêm, ngoài yếu tố khách quan như diện tích, quy mô dân số không đảm bảo thì nguồn lực đầu tư cho thị trấn còn rất hạn chế, giao thông khó khăn, thiếu mặt bằng xây dựng, nhiều quy hoạch chồng chéo… cũng ảnh hưởng rất lớn đến công tác đầu tư, xây dựng đô thị Krông Kmar và việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu của đô thị loại IV. 

Khả Lê

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.