Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Thận trọng tái đàn sau dịch tả heo châu Phi

08:43, 18/05/2020

Thời điểm hiện nay, dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện Krông Bông đã được kiểm soát. Tuy nhiên, việc tái đàn heo đang được ngành Nông nghiệp huyện triển khai thực hiện một cách thận trọng với những điều kiện khắt khe nhằm bảo đảm an toàn.

Còn nhiều khó khăn

Từ ngày 9-7-2019 đến hết tháng 12-2019, dịch tả heo châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Krông Bông. Theo thống kê của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Krông Bông, dịch bệnh đã xảy ra tại 76 hộ chăn nuôi thuộc 36 thôn, buôn, tổ dân phố, 12 xã, thị trấn của huyện, làm 886 con heo buộc phải tiêu hủy, với tổng trọng lượng là 49.140 kg, ước tính kinh phí hỗ trợ thiệt hại cho hộ chăn nuôi là hơn 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị cùng thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đến nay dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện đã được kiểm soát.

Nông dân xã Hòa Phong khử trùng chuồng trại trước khi tái đàn.
Nông dân xã Hòa Phong khử trùng chuồng trại trước khi tái đàn.

Ông Trần Đình Bình, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Krông Bông cho biết, vi rút dịch tả heo châu Phi có tính chất lây lan nhanh, khả năng tồn tại rất lâu trong môi trường và trong các sản phẩm từ heo, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Trong khi đó, tổng đàn heo của huyện lên đến trên 25.000 con, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình nên việc thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học là rất thấp. Đặc biệt, số heo đồng bào Tây Nguyên tương đối nhiều, phần lớn nuôi thả rông, chuồng trại sơ sài. Hiện nay, việc tái đàn heo đang gặp khó khăn, nhất là nhu cầu về con giống.

Trên địa bàn huyện chưa có nhiều cơ sở sản xuất giống nên khó chủ động được nguồn cung, đồng thời cũng gây khó khăn cho công tác kiểm soát chất lượng giống. Số lượng heo nái sinh sản hiện nay chủ yếu tập trung ở các trang trại lớn, nhưng đa phần những đơn vị này đều không bán heo con ra ngoài mà chỉ để nuôi. Còn các cơ sở cung cấp giống chất lượng cao ở trong và ngoài huyện cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu tại chỗ, do vậy mà số lượng heo con trên thị trường không nhiều. Cùng với đó, giá heo con hiện ở mức rất cao (khoảng 110.000 - 130.000 đồng/kg), ước tính khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/con (10 - 17 kg/con), tăng gần gấp 3 lần so với giá heo giống lúc bình thường. Đó cũng là trở ngại không nhỏ cho người chăn nuôi trong thời điểm hiện tại.

Cán bộ Hội Nông dân xã Hòa Phong hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại trước khi tái đàn.
Cán bộ Hội Nông dân xã Hòa Phong hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại trước khi tái đàn.

Một khó khăn lớn nữa của người chăn nuôi heo muốn tái đàn trong điều kiện hiện nay là nguồn vốn. Bà Nguyễn Thị Khuê, một người chăn nuôi heo ở thôn Hòa Xuân (xã Hòa Sơn) chia sẻ, dịch tả heo châu Phi gây thiệt hại gần như toàn bộ đàn heo của gia đình. Tuy nhiên, số tiền được ngành chức năng hỗ trợ chỉ đủ thanh toán một phần nợ cho đại lý thức ăn gia súc. Hiện gia đình bà đã khử trùng chuồng trại, chuẩn bị cho việc tái đàn, nhưng nguồn vốn để bắt heo con vẫn chưa xoay được. Do đó, chuồng trại vẫn đang bỏ trống.

Thận trọng trong tái đàn

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông Đinh Văn Tiến thông tin, hiện dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện đã được kiểm soát. Tuy nhiên, việc tái đàn heo còn tiềm ẩn rủi ro do nhiều hộ chăn nuôi chưa áp dụng triệt để biện pháp an toàn sinh học, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Trong khi đó, thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm giảm sức đề kháng của đàn heo. Đặc biệt là mới đây, huyện lân cận là Cư Kuin tái xuất hiện ổ dịch tả heo châu Phi nên càng tăng thêm sự lo lắng cho các ngành chức năng và người dân trên địa bàn.

 
Việc tái đàn heo trên địa bàn chỉ được thực hiện khi cơ sở chăn nuôi có đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm các yêu cầu về an toàn sinh học, chủ động kiểm soát về con giống và nguồn thức ăn. Cơ sở chăn nuôi phải định kỳ thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại khu vực chăn nuôi bằng vôi bột hoặc hóa chất; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi; hạn chế người không có nhiệm vụ ra, vào khu vực chăn nuôi; có biện pháp ngăn chặn các loại động vật khác xâm nhập vào cơ sở chăn nuôi…”.
 
Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông Đinh Văn Tiến

Để đảm bảo việc nuôi tái đàn heo được thực hiện một cách hiệu quả và giảm nguy cơ tái phát dịch bệnh, UBND huyện Krông Bông đã yêu cầu các cơ quan liên quan, các xã, thị trấn cần khuyến cáo người dân thận trọng, không nên ồ ạt, nếu muốn tái đàn phải đáp ứng đủ các yêu cầu về chăn nuôi an toàn sinh học, đồng thời thực hiện kiểm soát sát sao việc tái đàn tại địa phương. UBND huyện cũng yêu cầu các hộ dân khi tái đàn phải khai báo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để kiểm tra điều kiện trước khi tái đàn.

Hiện tại, huyện chỉ cho phép tái đàn tại các cơ sở chăn nuôi chưa bị bệnh hoặc bị dịch nhưng đã qua 30 ngày không tái phát và công bố hết dịch tả heo châu Phi. Trong chăn nuôi, phải bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn sinh học; tuyên truyền các cơ sở chăn nuôi thận trọng khi tái đàn, khuyến khích sử dụng nguồn giống tại địa phương để chăn nuôi. Đồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi heo để phòng, chống dịch tả heo châu Phi như quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh, tiêu độc chuồng trại, xử lý chất thải... để tạo ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng. Sau khi đạt đủ các điều kiện, việc tái đàn heo cũng phải tiến hành theo lộ trình cụ thể. Theo đó, đối với các cơ sở chăn nuôi mới tái đàn chỉ được phép nuôi 10% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở. Sau 30 ngày nuôi sẽ lấy mẫu xét nghiệm, nếu cho kết quả âm tính với dịch tả heo châu Phi mới được nâng dần số lượng heo nuôi theo năng lực của cơ sở…

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.