Huyện Krông Pắc: Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài thời gian qua đã gây áp lực lớn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Việc tìm giải pháp thích ứng qua mùa dịch, hỗ trợ người lao động đang được các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Krông Pắc đặc biệt chú trọng.
Bà Nguyễn Cao Bích Dung, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Quyết Thắng (xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) cho biết, HTX có trên 40 chiếc xe buýt chạy 7 tuyến cố định trong tỉnh. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19, nên từ sau Tết Nguyên đán 2020 đến nay, lượng khách đi xe buýt đã giảm trên 70% so với trước, thậm chí nhiều chuyến, tài xế phải chạy xe không. Còn với dịch vụ taxi, do vắng khách nên đã ngừng hoạt động. Trước tình hình khó khăn đó, đơn vị buộc phải giảm bớt số lượng lao động từ 145 người xuống còn 92 người.
Để duy trì hoạt động chung, HTX đã phải xoay vòng vốn gần 30 tỷ đồng để đầu tư máy móc thiết bị, mở xưởng kinh doanh thêm mặt hàng tôn, sắt thép các loại. Việc này cũng giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động của đơn vị. Thời gian này, hoạt động kinh doanh, dịch vụ của HTX Quyết Thắng vẫn gặp nhiều khó khăn, thua lỗ nhưng đơn vị đã cố gắng thắt chặt mọi chi phí hoạt động nhằm bảo đảm chi trả tiền lương cho công nhân bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Các công nhân làm việc tại xưởng cán tôn của HTX Quyết Thắng. |
Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Cổ phần Cà phê Phước An (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) gặp khó. Ông Hồ Sỹ Trung, Tổng Giám đốc Công ty cho hay: Thời gian vừa qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp của Công ty gần như bị đình trệ do không thể triển khai phân công công việc cũng như kiểm tra, giám sát đối với nông dân, người lao động. Điều này đã gây ảnh hưởng đến tiến độ bón phân, tưới nước và chăm sóc cây trồng. Về thương mại, từ đầu năm 2020 đến nay đơn vị mới chỉ xuất khẩu được khoảng 3.000 tấn cà phê nhân (giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước). Các đơn hàng xuất khẩu này chủ yếu là một số hợp đồng đã ký từ năm 2019 trở về trước, không có hợp đồng mới. Nhiều hợp đồng mặc dù đã ký mua hàng của Công ty nhưng bị hủy. Doanh thu của Công ty giảm trên 50% so với trước.
Theo ông Trung, để tháo gỡ khó khăn trước mắt, Công ty đang tập trung chỉnh đốn lại tình hình hoạt động, cắt giảm tạm thời khoảng 30% số lao động hợp đồng, hạn chế các chi phí phát sinh, cố gắng “cầm cự” qua mùa dịch. Hiện nay Công ty đang quản lý 810 ha cà phê trồng xen sầu riêng, bơ có hợp đồng liên kết với gần 1.000 hộ nhận khoán. Đơn vị đang tìm các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa nông nghiệp để khẳng định thương hiệu và có giá thành tốt nhất. Theo đó, Công ty đã chủ động kết nối với ngành chức năng để đăng ký cho 70 hộ nhận khoán sử dụng tem truy xuất nguồn gốc nông sản; liên kết với các bạn hàng trong và ngoài nước để ký kết hợp đồng với gần 100 hộ dân nhận khoán sản xuất và cung ứng cà phê, sầu riêng theo quy chuẩn VietGAP.
Công nhân Công ty Cổ phần Cà phê Phước An làm việc tại xưởng chế biến. (Ảnh do công ty cung cấp) |
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết, để các doanh nghiệp từng bước ổn định, duy trì hoạt động, huyện Krông Pắc đã rà soát, nắm bắt cụ thể khó khăn của từng doanh nghiệp, người dân, người lao động nhằm kịp thời có hướng tháo gỡ. Mặt khác, huyện cũng giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, giúp doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh; cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để doanh nghiệp chủ động làm thủ tục và yên tâm hơn trong sản xuất, kinh doanh. Đến nay, theo thống kê, huyện Krông Pắc có 5.553 đối tượng thuộc diện được trợ cấp theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với tổng số tiền trên 8,3 tỷ đồng.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc