Huyện M'Đrắk: Vụ hè thu đối mặt với khô hạn
Vụ hè thu năm 2020, huyện M'Đrắk phấn đấu gieo trồng hơn 24.974 ha cây trồng các loại; trong đó có 2.043 ha lúa nước, 3.719 ha ngô, 5.320 ha sắn, 4.827 ha mía… Tuy nhiên, nắng hạn, thiếu nước tưới đang làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng vụ hè thu 2020.
Ông Lê Đăng Khang, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk chi nhánh huyện M’Đrắk cho biết: Toàn huyện hiện có 63 công trình thủy lợi, trong đó có 60 công trình đã đưa vào danh mục quản lý (UBND huyện quản lý 45 công trình; Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk chi nhánh huyện M'Đrắk quản lý 15 công trình). Do nắng nóng kéo dài trong nhiều tháng qua, lượng mưa ít nên các sông suối, hồ chứa nước trên địa bàn đều cạn kiệt ở mực nước chết; một số công trình dung tích lớn có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão và không còn sử dụng được vì đã bị hư hỏng.
Cán bộ thủy lợi túc trực bơm nước cứu hạn cho người dân. |
Theo lịch gieo trồng vụ hè thu 2020, lúa nước trà sớm bắt đầu từ ngày 1 đến 15-6, trà chính từ 16-6 đến 15-7; ngô, đậu đỗ các loại từ ngày 1 đến 25-5; sắn từ ngày 1 đến 30-5; mía trồng mới từ ngày 1 đến 30-6. Tuy nhiên, do hạn hán nghiêm trọng nên tính đến thời điểm này, trên 20.000 ha hoa màu trên địa bàn huyện vẫn chưa được xuống giống. Bên cạnh đó nhiều diện tích cây trồng lâu năm có hiệu quả kinh tế cao như tiêu, cà phê, cây ăn quả... đã chết khô vì không đủ nước tưới, khiến người dân vô cùng lo lắng.
Vụ hè thu 2020, gia đình bà Đoàn Thị Liền (thôn 10, xã Ea Pil) có hơn 4 ha trồng hoa màu. Đến thời điểm hiện tại, gia đình bà vẫn chưa thể xuống giống mặc dù lịch thời vụ đã trôi qua gần 1 tháng. Bên cạnh đó, hơn 600 gốc nhãn trồng được 1 năm của gia đình bà cũng bị khô héo lá do không có nước tưới. Gia đình bà Liền mỗi tuần 2 lần chi hơn 1 triệu đồng mua dầu và mua nước tưới từ các hộ lân cận để cứu cây trồng (với chi phí 150.000 đồng/giờ bơm nước tưới). Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài thì gia đình bà cũng không còn lực để chống hạn. Số tiền vay thế chấp hơn 100 triệu đồng để đầu tư chuyển đổi sang cây ăn trái bây giờ gia đình bà cũng không biết trông vào nguồn thu nhập nào để trả.
Tương tự, gia đình ông Cù Minh Hùng (xã Cư San) những ngày này cũng đang "đỏ mắt" chờ mưa để có thể xuống giống vụ hè thu 2020. Trong vụ đông xuân 2019 - 2020, gia đình ông có 2 ha sắn và 4 sào lúa nước nhưng nắng nóng kéo dài khiến 2/3 diện tích sản xuất của gia đình ông bị hạn hán, diện tích còn lại năng suất giảm mạnh, ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình. Toàn bộ diện tích sản xuất của gia đình ông chủ yếu tận dụng nguồn nước từ ao nhỏ và khe suối; nếu hạn hán tiếp tục diễn ra khắc nghiệt như hiện nay thì vụ hè thu 2020 gia đình ông cũng không biết lấy nước đâu để sản xuất.
Nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn huyện M'Đrắk đến thời điểm này đã cạn trơ đáy. |
Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện M’Đrắk cho biết, trước thực trạng hạn hán nghiêm trọng tại địa phương, giải pháp tạm thời là chính quyền vận động người dân chỉ nên tập trung cứu những diện tích cây trồng còn có thể phục hồi lại được, đồng thời khuyến khích người dân đầu tư xây dựng giếng khoan, trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt cho một số cây trồng như cà phê, tiêu, khoai lang... để tránh lãng phí nguồn nước đang khan hiếm. Trong vụ hè thu chỉ xuống giống khi đủ điều kiện nước; hoặc chuyển đổi sang cây trồng ngắn ngày, chịu hạn tốt ở diện tích chân ruộng cao. Về lâu dài, để giúp người dân ứng phó với thời tiết nắng hạn ngày càng khắc nghiệt như hiện nay, huyện M’Đrắk tiếp tục đề nghị UBND tỉnh xem xét đầu tư kinh phí tu sửa các công trình thủy lợi xuống cấp, hư hỏng, xử lý cấp bách hố xói, hiện tượng thấm nước qua chân bờ đập. Đồng thời nghiên cứu giải pháp giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang loại cây chịu hạn tốt hơn.
Nắng hạn làm cho 1.116 ha cây trồng vụ đông xuân 2019 - 2020 của huyện M'Đrắk bị hạn; trong đó lúa nước trên 517 ha, ngô trên 84 ha, mía 94 ha và cây trồng khác 147 ha. Số diện tích thu hoạch năng suất giảm từ 1-3 tạ/ha so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo tổng sản lượng lương thực trên địa bàn huyện giảm 161 tấn so với kế hoạch và giảm 730 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. |
Mỹ Sự
Ý kiến bạn đọc