Multimedia Đọc Báo in

Nắng hạn kéo dài, nguy cơ mất mùa cam, quýt

08:30, 21/05/2020

Nắng hạn kéo dài, thiếu nước tưới khiến nhiều diện tích vườn cam, quýt trên địa bàn xã Ea Nuôl  (huyện Buôn Đôn) đang phải đối mặt với nguy cơ mất mùa.

Hơn 1 tháng nay, gia đình bà Nguyễn Thị Phụng (buôn Ko Đung A, xã Ea Nuôl) đành xót xa nhìn vườn cam, quýt của mình bị rụng quả non dần. Cứ hai ngày bà lại đi nhặt khoảng 30 kg quả để mang đi vứt. Được biết, năm 2017 gia đình bà Phụng đã chuyển đổi 1 ha đất trồng cây hoa màu không hiệu quả sang trồng 800 cây cam sành, cam xoàn và quýt đường.

Vụ trước, gia đình bà thu bói được hơn 5 tấn quả, nhưng cam, quýt rớt giá chỉ còn 8 – 10 nghìn đồng/kg (loại quả to) và 3 nghìn đồng/kg (quả nhỏ) nên vẫn chưa thu hồi được vốn. Gia đình vẫn cố gắng đầu tư chăm sóc kỹ lưỡng, chủ yếu bón phân chuồng giúp cây phát triển bền vững với hy vọng năm nay vào vụ chính, vườn cam, quýt sẽ được mùa, được giá. Tuy vậy, mùa vụ năm nay nắng hạn kéo dài, nước giếng khoan cũng dần cạn kiệt, gia đình bà chỉ có thể tưới cầm cự giúp cây trồng sống sót.

Đến thời điểm này dù đã đầu tư khoảng 300 triệu đồng vào vườn cây, nhưng vườn cam, quýt bị rụng quả dần, ước tính năng suất chỉ còn khoảng 40% nên gia đình bà Phụng chưa biết lấy tiền đâu để tiếp tục đầu tư và trả nợ.

Cán bộ  Hội Nông dân xã Ea Nuôl (bên phải)  tìm hiểu  tình trạng  mất mùa  tại vườn cam của gia đình  anh Nguyễn Duy Linh.
Cán bộ Hội Nông dân xã Ea Nuôl (bên phải) tìm hiểu tình trạng mất mùa tại vườn cam của gia đình anh Nguyễn Duy Linh.

Cùng chung cảnh mất mùa, từ khoảng tháng 3 đến nay, 300 cây cam sành, cam xoàn của gia đình anh Nguyễn Duy Linh (buôn Ko Đung B, xã Ea Nuôl) đã có hiện tượng rụng quả ngày càng nhiều hơn, hầu như xuất hiện ở tất cả các cây. Trung bình mỗi ngày anh đi nhặt hơn 10 kg quả rụng mang đi bỏ. Anh Linh cho hay, vụ mùa năm trước, anh còn thu bói được hơn 1 tấn quả. Năm nay vào vụ chính, đang phấn khởi thì gặp nắng hạn kéo dài, thiếu nước tưới. Nếu tình trạng này kéo dài đến khi thu hoạch thì cây chỉ còn trơ trọi lá. Bên cạnh đó, vườn cam của anh có gần 100 cây đang có hiện tượng vàng lá, thối rễ, đầu tư cho vườn chưa kịp thu hồi được vốn lại gặp tình cảnh này. “Bỏ thì thương, vương thì tội”, hiện gia đình anh Linh đã cạn kiệt nguồn vốn, nhưng cũng không nỡ bỏ vườn.

Tính đến thời điểm này, xã Ea Nuôl đã có khoảng 40 - 50 ha trồng cam, quýt bị ảnh hưởng nặng. Dự tính mùa vụ năm nay năng suất giảm khoảng 60%.

Được biết, các loại cây có múi được người dân xã Ea Nuôl chuyển đổi thay thế hoa màu kém hiệu quả từ hơn 10 năm nay. Từ năm 2015, diện tích trồng bắt đầu tăng nhanh, nhiều người ở địa phương khác cũng đến đây thuê đất để phát triển loại cây này. Đây từng là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều người dân vươn lên thoát nghèo. Xã cũng chủ động mở các lớp tập huấn, hội thảo về cây cam, quýt, giúp người dân nắm vững kỹ thuật chăm sóc và nỗ lực hỗ trợ tìm đầu ra  cho sản phẩm. Tuy nhiên hai năm trở lại đây, diện tích cam quýt giảm dần, toàn xã chỉ còn khoảng 160 ha. Nguyên nhân do thời tiết ngày một khắc nghiệt, thiếu nguồn nước tưới, giá cả bấp bênh, năng suất hằng năm giảm dần nên nhiều người không còn mặn mà với loại cây trồng này.

Ông Đặng Tường Quang (Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Nuôl) đi kiểm tra vườn cây cam, quýt bị khô héo do nắng hạn của người dân.
Ông Đặng Tường Quang (Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Nuôl) kiểm tra vườn cây cam, quýt bị khô héo do nắng hạn của người dân.

Theo ông Đặng Tường Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Nuôl, năm nay nắng hạn kéo dài, thiếu nguồn nước tưới, người dân chỉ có thể tưới cầm chừng giúp cây sống sót nên nhiều diện tích xảy ra tình trạng rụng quả non. Một số người dân không đủ vốn đầu tư đã bỏ vườn khô hạn, chịu thua lỗ. Hiện địa phương đang khảo sát, đánh giá tình hình để kiến nghị cấp trên có hướng hỗ trợ người dân.

Huyền Diệu – Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.