Cây chôm chôm trên đất Cư Mốt
Thôn 8 (xã Cư Mốt, huyện Ea H'leo) có 64 hộ với 250 nhân khẩu, 99% dân số là người Nùng di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Những năm gần đây, người dân thôn 8 đã tìm hiểu và đưa cây chôm chôm vào trồng xen vào vườn cà phê, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, ở thôn 8 có hơn 20 ha chôm chôm của 16 hộ dân, trong đó có 5 hộ chuyên canh, còn lại trồng xen canh trong các vườn cà phê, hồ tiêu, sầu riêng. Chôm chôm là loại cây thích hợp đất thịt pha cát hay pha sét, tầng canh tác dày, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt và những nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng như xã Cư Mốt.
Theo các hộ trồng chôm chôm ở thôn 8, loại cây này dễ chăm sóc, không tốn nhiều nước tưới, phân bón nên tiết kiệm được công lao động và chi phí đầu tư thấp hơn so với cà phê, hồ tiêu, sầu riêng… Nhờ vậy, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao.
Vườn chôm chôm của ông Lương Văn Ích ở thôn 8, xã Cư Mốt. |
Gia đình ông Nông Quang Ngọc là một trong những hộ trồng chôm chôm nhiều nhất thôn 8 với 50 cây chôm chôm ghép trên diện tích 6.000 m2; trong đó có 30 cây có tuổi đời 11 năm đang trong thời kỳ kinh doanh. Hằng năm, chôm chôm cho thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 9; mỗi cây trung bình cho thu khoảng 150 kg trái/mùa. Với giá thị trường từ 12.000 – 15.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình ông Ngọc có thu nhập khoảng 60 triệu đồng.
Gia đình ông Lương Văn Ích hiện có 80 cây chôm chôm 10 năm tuổi, trung bình mỗi năm cho thu hoạch từ 8 - 10 tấn quả, mang lại thu nhập 150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Ông Ích cho biết, các giống chôm chôm thường được người dân lựa chọn là chôm chôm Thái. Khi vào vụ thu hoạch, chôm chôm được thương lái đến tận vườn mua trực tiếp, sau đó mang đi tiêu thụ ngay tại các chợ trên địa bàn huyện nên trái rất tươi ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hoài Nam
Ý kiến bạn đọc