Multimedia Đọc Báo in

Người có nhiều kinh nghiệm về nuôi chim bồ câu Pháp

07:54, 02/06/2020

Năm 2017 sau khi tìm hiểu mô hình nuôi chim bồ câu Pháp từ một người bạn, anh Nguyễn Viết Chiến (ở thôn 4, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) đã quyết định xây dựng chuồng trại nuôi chim bồ câu Pháp với mong muốn cải thiện thu nhập cho gia đình.

Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm, kiến thức về chăn nuôi, lại gặp phải dịch bệnh nên số chim bố mẹ và chim non mới nở chết gần hết. Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, anh Chiến gây dựng được đàn chim có quy mô hơn 100 đôi chim, trong đó có 30 cặp chim bố mẹ, khoảng 50 đôi chim hậu bị. Mỗi tháng có 20 đôi chim non được sinh ra; một đôi chim non mới ra ràng, anh bán với giá từ 90.000 – 120.000 đồng, chim hậu bị 2 tháng tuổi bán với giá 250.000 đồng/đôi. Mỗi năm trừ chi phí, thu nhập từ nuôi chim bồ câu Pháp mang lại cho gia đình anh nguồn thu từ 50 - 60 triệu đồng.

Anh Chiến  chăm sóc  đàn chim bồ câu của gia đình.
Anh Chiến chăm sóc đàn chim bồ câu của gia đình.

Anh Chiến đã theo dõi, nghiên cứu tập tính của chim bồ câu để thay đổi thói quen của chim nhằm nâng cao năng suất và khai thác tối đa hiệu quả chăn nuôi. Ban đầu anh chỉ nuôi thí điểm vài chục đôi sinh sản trong điều kiện nuôi tự nhiên 45 ngày mới được một lứa. Khi nuôi quần thể, chim sống bầy đàn, không kiểm soát được cặp nào sinh sản tốt, cặp nào sinh sản kém, nhất là những con trống cồ hay làm dập trứng, dẫm chim non. Sau đó, anh tìm cách nhốt từng đôi nuôi riêng và đầu tư máy ấp trứng để rút ngắn khoảng cách giữa các lứa đẻ. Khi chim đẻ quả trứng đầu tiên anh nhặt trứng đưa vào máy ấp rồi đưa trứng giả vào ổ. Bình thường một đôi chim bố mẹ chỉ đẻ hai trứng và nuôi tối đa hai chim con, nhưng với cách làm của anh Chiến mỗi cặp chim bố mẹ có thể nuôi tối đa 3 - 4 chim con/lứa. Từ kết quả đó, trang trại nhà anh ngày càng mở rộng, số lượng chim ngày càng tăng.

Theo anh Chiến, muốn bồ câu Pháp sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, cần phòng bệnh cho chim và vệ sinh khử trùng chuồng nuôi sạch sẽ. Chuồng nuôi phải kín gió, có mái che nhưng đủ ánh sáng và thông thoáng; mật độ nuôi phải bảo đảm từ 6 – 8 con/m2. Chim bồ câu chủ yếu mắc 3 bệnh chính là: bệnh Newcasle, đậu và bệnh về đường hô hấp, vì thế cần phải tiêm thuốc phòng bệnh cho chim hằng năm. Thức ăn cho chim chủ yếu là thóc, ngô và thức ăn hỗn hợp tùy theo giai đoạn mà trộn theo một tỷ lệ nhất định. Giai đoạn chim non thì tăng khẩu phần ăn, với chim hậu bị chuẩn bị đẻ trứng thì giảm khẩu phần thức ăn cho phù hợp, tránh trường hợp chim ăn nhiều béo quá sẽ đẻ kém.

Dự định thời gian tới anh Chiến sẽ mở rộng quy mô đàn chim, đầu tư thêm một máy ấp trứng rút ngắn khoảng cách giữa các lứa để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đoàn Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.