Multimedia Đọc Báo in

Xác định nghĩa vụ tài chính đất đai: Hiệu quả bước đầu mô hình trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử

07:54, 02/06/2020

Qua hơn hai tháng triển khai, mô hình thí điểm trao đổi thông tin theo phương thức điện tử để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai tại thị xã Buôn Hồ và huyện Krông Năng đã đạt được những kết quả tích cực đối với người dân và cơ quan Thuế.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngay sau khi tiếp nhận kế hoạch của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc tổ chức triển khai thí điểm trao đổi thông tin theo hình thức điện tử để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai trên địa bàn thị xã Buôn Hồ và huyện Krông Năng, ngành Thuế đã xây dựng kế hoạch thực hiện kết nối. Theo đó, việc trao đổi thông tin được chuyển đổi theo lộ trình từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử. Ngành Thuế thành lập tổ chỉ đạo và tổ triển khai thực hiện kế hoạch và phân công nhiệm vụ đến từng thành viên triển khai công việc ngay từ ngày 19-3.

Người dân thực hiện thủ tục hành chính về đất đai tại Bộ phận một cửa huyện Krông Năng.
Người dân thực hiện thủ tục hành chính về đất đai tại Bộ phận một cửa huyện Krông Năng.

Theo mô hình này, khi Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại thị xã Buôn Hồ và huyện Krông Năng tiếp nhận sẽ kiểm tra hồ sơ của người sử dụng đất, nhập đầy đủ các thông tin vào ứng dụng quản lý tại đơn vị, ký số và truyền thông tin điện tử phục vụ xác định nghĩa vụ tài chính sang Chi cục Thuế khu vực Buôn Hồ - Krông Năng. Tiếp đó, cơ quan Thuế xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, ký số và truyền thông tin điện tử về nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất sang Văn phòng đăng ký đất đai. Văn phòng đăng ký đất đai in gửi thông báo về cơ quan tiếp nhận hồ sơ để gửi hoặc trả trực tiếp cho người sử dụng.

Qua hơn hai tháng, Chi cục Thuế khu vực Buôn Hồ - Krông Năng đã tiếp nhận, xử lý hơn 1.000 hồ sơ về lĩnh vực đất đai và dần chuyển đổi từ phương thức truyền thống sang phương thức điện tử. Đối với số lượng hồ sơ điện tử đã nhận là 793 hồ sơ thì ngành Thuế đã xử lý hoàn thành 528 hồ sơ, chiếm 66,6% tổng số hồ sơ tiếp nhận; tổng số hồ sơ đang xử lý là 105 hồ sơ, chiếm 13,2%; tổng số hồ sơ từ chối là 160 hồ sơ, chiếm 20,2%. Cụ thể, địa bàn thị xã Buôn Hồ đã nhận 425 hồ sơ, trong đó giải quyết xong 211 hồ sơ (chiếm 49,6%), 96 hồ sơ sơ đang xử lý (chiếm 22,6%), 118 hồ sơ bị từ chối (chiếm 27,8%); huyện Krông Năng tiếp nhận 368 hồ sơ, đã giải quyết 317 hồ sơ (chiếm 86,1%), 9 hồ sơ đang xử lý (chiếm 2,5%), 42 hồ sơ từ chối (chiếm 11,4%).

Áp dụng phương thức điện tử đã rút ngắn đáng kể thời gian, giảm chi phí cho người nộp thuế khi thực hiện các thủ tục hành chính. Chị Lê Ngọc Khánh Nhung (xã Xuân Phú, huyện Krông Năng) cho biết, trước đây chị phải đi vòng nhiều lần để giải quyết thủ tục hành chính đất đai, nhưng nay chỉ cần đến Bộ phận một cửa của huyện và được giải quyết thủ tục nhanh gọn. Hồ sơ đất đai được cán bộ chuyển cho ngành Thuế, theo lịch hẹn chị hoàn thành các khoản phí liên quan là có thể nhận hồ sơ của mình về.

Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Buôn Hồ - Krông Năng mã hóa hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử.
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Buôn Hồ - Krông Năng mã hóa hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử.

Không chỉ người dân được lợi mà cơ quan Thuế cũng quản lý thu ngân sách trong lĩnh vực này chặt chẽ hơn so với trước. Ông Nguyễn Đình Hoạt, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thuế khu vực Buôn Hồ - Krông Năng cho hay, tình trạng thất thu ngân sách trong quá trình xử lý hồ sơ đất đai là chuyện có thật, xảy ra trong nhiều năm nay. Trong đó điển hình là đất đai có tài sản trên đất nhưng xác định không hết dẫn đến tình trạng thất thu. Do đó cơ quan thuế đã từng kiểm tra thực tế và xử lý một số trường hợp nhất định. Vì vậy việc trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử để xác định nghĩa vụ tài chính sẽ góp phần hiệu quả trong việc chống thất thu ngân sách nhà nước lĩnh vực này. Bởi khi cần cán bộ thuế có thể kiểm tra, so sánh các thửa đất liền kề để so sánh và theo dõi tình hình biến động của các thửa đất trong khu vực. Mặt khác, cán bộ phụ trách rút ngắn thời gian thực hiện hồ sơ để kiểm tra những hồ sơ có dấu hiệu bất thường.

Hiện tại, Chi cục Thuế khu vực Buôn Hồ - Krông Năng đang phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục các vướng mắc liên quan để tháng 6-2020 bắt đầu thực hiện hoàn toàn bằng phương thức điện tử.

Để có được kết quả trên, cơ quan Thuế và Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Năng đã thống nhất về cách thức hợp tác, trao đổi thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai tại hai địa bàn nhằm phối hợp xử lý những khó khăn, vướng mắc và khắc phục những sai sót bước đầu khi triển khai giữa công chức xử lý hồ sơ nghĩa vụ tài chính về đất đai của hai cơ quan. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông báo đến tận các tổ dân phố, thôn, buôn… về chương trình triển khai thí điểm trao đổi thông tin điện tử để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai cho người dân biết và thực hiện. Riêng Chi cục Thuế khu vực Buôn Hồ - Krông Năng đã cài đặt, kết nối ứng dụng, phân quyền cho công chức xử lý thông tin để thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai, đáp ứng cơ bản về mặt kỹ thuật việc trao đổi thông tin bằng hình thức điện tử đối với hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai cá nhân, hộ gia đình.

Bên cạnh những mặt tích cực thì hiện tại việc thí điểm trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử để xác định nghĩa vụ tài chính đất đai vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là phần mềm ứng dụng chưa đồng bộ nên một số thông tin về đất đai còn thiếu như vị trí thửa đất, tên đường, đoạn đường, thời điểm sử dụng đất, đối tượng phải nộp tiền sử dụng đất hay không phải sử dụng tiền sử dụng đất… Đây là những căn cứ cơ bản để cơ quan Thuế xác định nghĩa vụ tài chính đất đai. Do đó, ngành Thuế vẫn đang thực hiện song song 2 loại hồ sơ giấy và hồ sơ điện tử để so sánh kết quả tính thuế, tiền sử dụng đất.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.