Multimedia Đọc Báo in

Đồng lòng xây dựng nông thôn mới

05:07, 14/07/2020

Chặng đường 10 năm (2010 - 2020) xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Krông Năng đã gặt hái được những thành quả to lớn. Đạt được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong toàn huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng Châu Văn Lượm cho biết: “Năm 2010, khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, hầu như cả 11 xã trên địa bàn huyện đều có xuất phát điểm rất thấp, chỉ đạt trung bình 4,9 tiêu chí/xã. Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị nên ngay từ những năm đầu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã quyết tâm thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực; trong đó phát huy tốt vai trò quyền làm chủ của người dân. Nhờ vậy, đến nay toàn huyện đã đạt 172/209 tiêu chí (chiếm trên 82%), bình quân đạt 15,64 tiêu chí/xã; có 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (Ea Toh, Phú Lộc, Phú Xuân), 4 xã đạt 15 - 18 tiêu chí và 4 xã đạt 10 - 14 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,42% xuống còn 7,17%; bình quân thu nhập đầu người đạt 57 triệu đồng/năm...".

Nhân dân xã Ea Toh tham gia mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn.
Nhân dân xã Ea Toh tham gia mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn.

Thành công trong xây dựng NTM của huyện phải kể đến phong trào hiến đất, hiến tài sản, đóng góp ngày công của nhân dân. Tính từ năm 2010 đến nay, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM đạt hơn 2.655 tỷ đồng; trong đó, huy động từ cộng đồng dân cư trên 320 tỷ đồng, 41.756 ngày công lao động, trên 83.000 m2 đất. Đơn cử như hộ ông Trần Cầu (xã Phú Lộc) hiến hơn 40 m2 đất; gia đình bà Phạm Thị Ba (xã Ea Toh) hiến 450 m2 đất và cây trồng trên đất giá trị trên 120 triệu đồng; hộ các ông Nguyễn Văn Lư, Nông Văn Đề (xã Cư Klông) hiến hơn 5.000 m2 đất để xây dựng công trình nhà văn hóa... Ông Trịnh Ngọc Phòng (xã Phú Xuân) - người tự nguyện hiến 100 m2 đất và tài sản gắn liền trên đất để xây dựng đường giao thông nông thôn, chia sẻ: “Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nói chung và làm đường giao thông nông thôn nói riêng mang lại lợi ích thiết thực, giúp cho việc đi lại và lao động sản xuất của nhân dân được thuận tiện nên chúng tôi rất ủng hộ”.

Huyện Krông Năng phấn đấu đến hết năm 2020 có thêm 2 xã (Tam Giang và Ea Tam) đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 5 xã; duy trì không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí; chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn NTM lập kế hoạch xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu.

Ea Toh và Phú Xuân là hai xã được chọn làm điểm xây dựng NTM của huyện. Sau gần 10 năm, nhờ sự lãnh đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện, sự quyết tâm, năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo từ xã đến thôn và đặc biệt là sự đoàn kết, tự giác, nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, hai xã đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Khi bắt tay xây dựng NTM vào năm 2011, xã Ea Toh chỉ đạt 7/19 tiêu chí, đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, hệ thống đường giao thông phần lớn chưa quy hoạch gây trở ngại việc đi lại; nhận thức của nhân dân về chương trình xây dựng NTM còn hạn chế... 

 

Một góc xã Ea Toh hôm nay.
Một góc xã Ea Toh hôm nay.
Trước thực tế đó, Đảng ủy - UBND xã Ea Toh đã thành lập Ban Chỉ đạo, quản lý điều hành từ xã đến thôn, buôn; đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhằm giúp người dân nhận thức rõ xây dựng NTM là quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Từ năm 2010 - 2020, xã huy động nhân dân đóng góp cho chương trình xây dựng NTM hơn 131 tỷ đồng (chiếm 60% tổng nguồn vốn)... Năm 2017, xã Ea Toh đã về đích NTM, là xã đầu tiên của huyện Krông Năng được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Giờ đây, Ea Toh đã thật sự thay da, đổi thịt, đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa đạt tỷ lệ 95%; đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 58 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,57%... 
 
Tương tự, xã Phú Xuân xuất phát điểm xây dựng NTM chỉ đạt 4/19 tiêu chí nhưng đã vượt qua khó khăn về đích NTM. Chủ tịch UBND xã Lê Đình Chủng cho biết: “Tổng nguồn vốn huy động cho Chương trình xây dựng NTM của xã đạt hơn 61 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp và huy động các nguồn lực khác hơn 35 tỷ đồng. Đến nay, đường trục thôn, đường liên xã được nhựa hóa và bê tông hóa đạt trên 80%; bình quân thu nhập đầu người đạt gần 40 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 4%; diện mạo của xã thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại; hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường và củng cố, an ninh trật tự được giữ vững”...

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.