Cùng vượt "cú sốc" thứ hai
10:59, 14/08/2020
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh...
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các nhu cầu về dịch vụ ăn uống, giải trí, mua sắm… cũng bị co hẹp khiến nhiều đơn vị, hộ kinh doanh rơi vào thua lỗ, hoạt động cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa. Sau một thời gian tạm lắng, đợt tái bùng phát Covid-19 đầu tháng 8 vừa qua được xem như “cú sốc” thứ hai. Nhiều đơn vị vừa tạm phục hồi chưa được bao lâu thì nay lại bị “bồi” thêm “cú” nữa khiến nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ đang dần đuối sức bởi sức mua giảm, trong khi các chi phí khác từ nhân công, mặt bằng… vẫn phải chi trả. Bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong đợt tái bùng phát dịch bệnh lần này là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại TP. Buôn Ma Thuột do địa bàn này phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Hơn thế, với vai trò trung tâm, là đầu mối tiêu thụ, việc giãn cách xã hội của TP. Buôn Ma Thuột chắc chắn cũng ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và người dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Một cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn nhanh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vẫn có thể phục vụ khách hàng một cách an toàn nhờ biện pháp giãn cách và "phân luồng" lối ra - vào cho khách đến cửa hàng |
Lúc này, bài học, kinh nghiệm từ đợt giãn cách xã hội trước lập tức được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh áp dụng vào đợt bùng phát dịch bệnh lần này. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã thay đổi từ hình thức kinh doanh truyền thống sang những hình thức kinh doanh linh hoạt hơn như kinh doanh online, qua điện thoại, phục vụ giao hàng tận nhà… Theo một số đơn vị kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố, sự thay đổi này có những mạo hiểm nhất định vì rất tốn kém chi phí. Tuy nhiên đây lại là lựa chọn duy nhất để có thể tồn tại, duy trì sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Để tăng sức mua, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải chủ động nhiều giải pháp kích cầu qua việc triển khai những chính sách tiếp thị, chăm sóc khách hàng, khuyến mại, hậu mãi... Qua việc đẩy mạnh kinh doanh bằng nhiều kênh khác nhau đã giúp doanh thu của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng trưởng khá ổn định. Và đáng mừng là có nhiều đơn vị thậm chí đã có doanh thu cao hơn so với trước khi thực hiện các biện pháp giãn cách.
Nhiều hộ kinh doanh nhỏ phục vụ khách bằng cách chỉ bán mang đi hoặc giao hàng tận nơi |
Thực tế này cho thấy, nếu có giải pháp linh hoạt, năng động, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn có thể cầm cự, thậm chí là tăng trưởng ổn định trong mùa dịch. Điều này cũng phù hợp với quyết tâm của Chính phủ trong đợt tái bùng phát dịch Covid-19 lần này ngay từ đầu là thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để phục hồi và phát triển bền vững hơn, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn rất cần sự trợ sức kịp thời của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong việc tiếp cận vốn vay ưu đãi, mở rộng thị trường, tăng năng lực cạnh tranh…
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc