Multimedia Đọc Báo in

Giải ngân vốn đầu tư công: Tăng tốc để "về đích"

10:44, 31/08/2020
Năm 2020, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, coi đây là giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng đầu năm còn thấp so với kế hoạch. Để giải ngân vốn đầu tư công “về đích”, nhiều giải pháp quyết liệt đang được triển khai trong những tháng cuối năm.

Thi công Dự án nâng cấp đường Trần Quý Cáp - TP. Buôn Ma Thuột (đoạn từ đường Mai Thị Lựu đến đường Lê Duẩn). Ảnh: Khả Lê
Thi công Dự án nâng cấp đường Trần Quý Cáp - TP. Buôn Ma Thuột (đoạn từ đường Mai Thị Lựu đến đường Lê Duẩn). Ảnh: Khả Lê

 Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 25-7, số vốn kế hoạch năm 2019 chuyển nguồn sang năm 2020 đã giải ngân được 28%; kế hoạch vốn năm 2020 giải ngân được 35,2%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm cả nguyên nhân cố hữu tồn tại lâu nay chưa được khắc phục triệt để và cả nguyên nhân mới phát sinh. Tuy nhiên vướng mắc chủ yếu vẫn là đền bù, giải phóng mặt bằng; chất lượng tư vấn chưa đạt yêu cầu; các chủ đầu tư chưa tích cực giải ngân; một số dự án phải dừng để điều chỉnh. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiến độ của các dự án bán đất còn chậm, dẫn đến kế hoạch thu tiền sử dụng đất không đạt đã ảnh hưởng đến kết quả giải ngân.

Nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh vừa chỉ thị thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư tập trung thực hiện những thủ tục về công tác giải phóng mặt bằng; kịp thời bổ sung, hoàn thiện, điều chỉnh hồ sơ theo yêu cầu để sớm trình duyệt, không để xảy ra tình trạng gây khó khăn, phiền hà trong quá trình thẩm định hồ sơ. Đồng thời, thực hiện đúng tiến độ giải ngân đã cam kết theo các mốc thời gian, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xem xét điều chuyển vốn...

Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Đinh Xuân Hà cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2020, Sở sẽ triển khai làm việc với từng chủ đầu tư để nắm bắt khó khăn, vướng mắc và đề xuất UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ cho từng dự án. Đồng thời, Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo bằng văn bản để các ngành, các cấp cùng xác định trách nhiệm thực hiện; thành lập đoàn kiểm tra tại các địa phương để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đôn đốc giải ngân; tăng cường họp giao ban xây dựng cơ bản mỗi tháng một lần để xử lý vướng mắc. Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư nêu cao tinh thần trách nhiệm, đăng ký và thực hiện cam kết giải ngân theo từng thời điểm 30-9-2020, 31-12-2020, 31-1-2021 và đề xuất điều chuyển ngay số vốn không thể giải ngân theo tiến độ. UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các sở, ban, ngành, các cơ quan có liên quan đến công trình, dự án đầu tư công phải xác định trách nhiệm, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, sớm đưa dự án vào triển khai thi công, tăng tốc để "về đích" giải ngân đầu tư công.

Trong khi đó, lãnh đạo nhiều đơn vị, địa phương đã thể hiện quyết tâm, phấn đấu giải ngân 100% nguồn vốn đầu tư công của nhiều dự án, trong đó có những dự án trọng điểm. Ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh cho biết, trong năm 2020, Ban có 33 dự án được bố trí kế hoạch vốn, trong đó có 31 dự án do UBND tỉnh quyết định đầu tư với tổng vốn hơn 747,9 tỷ đồng (đã bao gồm vốn năm 2019 chuyển sang). 

Đến ngày 31-7 đã giải ngân được 115,9 tỷ đồng (đạt 16% kế hoạch). Dự kiến đến ngày 30-9 sẽ giải ngân hơn 480,7 tỷ đồng (đạt 64% kế hoạch) và đến ngày 31-12 sẽ giải ngân 100% số vốn còn lại của các dự án. Riêng đối với hai dự án do các bộ, ngành Trung ương quyết định đầu tư được bố trí vốn năm 2020 hơn 659,6 tỷ đồng, đến 31-7 đã giải ngân hơn 103,7 tỷ đồng (đạt 16% kế hoạch).

Dự án mở rộng bùng binh Km 3 (TP. Buôn Ma Thuột) chậm giải ngân do vướng mắc về giải phóng mặt bằng. (Trong ảnh: Tình trạng ách tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại bùng binh Km 3).  Ảnh: K.Lê
Dự án mở rộng bùng binh Km 3 (TP. Buôn Ma Thuột) chậm giải ngân do vướng mắc về giải phóng mặt bằng. (Trong ảnh: Tình trạng ách tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại bùng binh Km 3). Ảnh: K.Lê
Trong đó, Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 10-4-2020, với tổng mức 1.512 tỷ đồng, đến ngày 13-7 dự án mới được bố trí vốn năm 2020 là 9,63 tỷ đồng. Ban cam kết đến ngày 31-12 sẽ giải ngân 100% vốn kế hoạch năm 2020. Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng do Bộ NN-PTNT giao kế hoạch vốn năm 2020 là 650 tỷ đồng. Đến ngày 31-7 giải ngân hơn 103,7 tỷ đồng (đạt 16%), dự kiến đến ngày 30-9 sẽ giải ngân 400 tỷ đồng (đạt 62%). Đối với vốn năm 2019 chuyển sang, Ban sẽ nỗ lực tập trung giải ngân trong quý IV-2020.
 
Để thực hiện được yêu cầu giải ngân của Chính phủ và của tỉnh theo từng mốc thời gian, ông Phan Xuân Bách đề xuất UBND tỉnh thành lập tổ công tác kiểm tra thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công để tháo gỡ ngay các "nút thắt" trong quá trình thực hiện. Với các dự án đã có trong kế hoạch trung hạn, tỉnh cần xem xét phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu ngay sau khi dự án được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Đặc biệt, tỉnh cần chỉ định thời gian hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, nhất là những dự án trọng điểm để góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.