Multimedia Đọc Báo in

Vì một thành phố xanh, sinh thái và bản sắc

09:10, 17/08/2020
TP. Buôn Ma Thuột đã và đang phát huy những tiềm năng, lợi thế, phát huy nội lực để xây dựng thành phố xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh; là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
 
Xứng tầm đô thị loại I
 
Ngày 27-11-2009, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 60 về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành trung tâm vùng Tây Nguyên, giai đoạn 2010 - 2020. Đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện, đặc biệt trong nhiệm kỳ qua (2015 - 2020), TP. Buôn Ma Thuột đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Cụ thể, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, quy mô các ngành kinh tế tiếp tục tăng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng…
 
Đặc biệt, các dự án phát triển đô thị trên địa bàn thành phố đã được quan tâm đầu tư, một số dự án có kiến trúc mang bản sắc Tây Nguyên thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia; hạ tầng giao thông và kỹ thuật đô thị được tập trung đầu tư. Đó là khu đô thị sinh thái – văn hóa cà phê Suối Xanh với diện tích 45,46 ha, đường vành đai phía Tây TP. Buôn Ma Thuột, đường Đông Tây, nâng cấp Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên…
 
Đặc biệt, thành phố đã hoàn thành xây dựng 3 khu đô thị mới đạt tiêu chuẩn đô thị loại I: khu đô thị Km 4-5, khu dân cư phường Tân Hòa và tổ dân phố (TDP) 7 phường Tân Lập. Hiện nay, đang triển khai xây dựng 4 khu đô thị mới: khu dân cư Hà Huy Tập, khu dân cư TDP 6, phường Tân An, khu dân cư TDP 4, phường Thành Nhất, khu dân cư buôn Păn Lăm – Ko Sier.
 
Song song đó, xác định phát triển đô thị nhưng không quên bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nhiệm kỳ qua, thành phố triển khai Đề án Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) TP. Buôn Ma Thuột giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030. 
 
Một lớp truyền dạy cồng chiêng để bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Êđê trên địa bàn thành phố.  Ảnh: T.Hồng
Một lớp truyền dạy cồng chiêng để bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Êđê trên địa bàn thành phố.
Theo đó, thành phố đã lựa chọn một số giá trị văn hóa đặc trưng để xây dựng thành sản phẩm du lịch tập trung tại 3 buôn: Akô Dhông (phường Tân Lợi), buôn Tuôr (xã Hòa Phú), buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu). Đồng thời, đã phục dựng một số nghi lễ đặc trưng như lễ kết nghĩa anh em, cúng bến nước, dựng cây nêu cầu an; bảo tồn chữ viết của đồng bào DTTS; tu bổ, cải tạo, sửa chữa bến nước và phục dựng các ngôi nhà dài truyền thống; mở lớp truyền dạy kỹ thuật đánh chiêng và sử dụng nhạc cụ dân tộc cho thanh, thiếu niên người DTTS…
 
Xây dựng Buôn Ma Thuột mang bản sắc riêng
 
Quyết định số 249/QĐ-TTg ngày 13-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2025, định hướng phát triển đến năm 2025 có cấu trúc đô thị bao gồm 2 vùng: Vùng phát triển đô thị và vùng vành đai xanh. Theo quy hoạch chung, đặc trưng của TP. Buôn Ma Thuột chính là địa hình tự nhiên của vùng cao nguyên gắn liền với văn hóa dân tộc Êđê; trong đó mạng lưới suối – hồ tự nhiên không những là nguồn sinh thủy, thoát nước mặt đô thị mà còn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo lập không gian xanh cho đô thị.
 
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, UBND thành phố bố trí nguồn vốn để cải tạo dọc theo tuyến suối từ chuỗi hồ Ea Nao (phường Tân An) đến cầu Nguyễn Văn Cừ (phường Tân Lập) và nối với Dự án hồ Ea Tam (phường Tự An). Dự án này hoàn thành sẽ tạo được nét mới cho đô thị Buôn Ma Thuột theo định hướng tại Kết luận 67 của Bộ Chính trị, ngày 16-12-2019 về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để tạo lập nét riêng biệt cho đô thị Buôn Ma Thuột, thời gian qua thành phố đã triển khai xây dựng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Trong đó, một số dự án đã đưa vào hoạt động, khai thác địa hình tự nhiên, hình thành khu vui chơi cho cộng đồng như: Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam, Khu du lịch đồi thông Mêhycô, Khu dự án đô thị sinh thái văn hóa – cà phê Suối Xanh… 

Ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, hiện nay thành phố đã xây dựng kế hoạch kêu gọi đầu tư các dự án khai thác cảnh quan thiên nhiên gắn với chuỗi hồ, suối như: Khu đô thị văn hóa dân tộc tỉnh tại phường Tân An, Khu hồ Ea Tam…
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Quản lý đô thị thành phố, hiện nay công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Các đồ án quy hoạch đi vào cuộc sống chưa nhiều, thiếu tính đồng bộ, chất lượng và tính khả thi còn thấp, chậm rà soát, điều chỉnh; chưa khai thác địa hình tự nhiên, sông suối, rừng cảnh quan, kiến trúc để quản lý xây dựng đô thị có bản sắc riêng.
 
Bên cạnh đó, các công trình kiến trúc xây dựng thiếu thiết kế đô thị, dẫn đến hình ảnh đô thị của các tuyến phố thiếu nét đặc trưng của đô thị cao nguyên. Do đó, ngoài việc đầu tư xây dựng, kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa, thời gian tới thành phố sẽ quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông dọc theo hành lang an toàn suối nhằm quản lý được quỹ đất không bị lấn chiếm suối; tạo được diện tích đất cây xanh công cộng trong đô thị dọc theo tuyến suối; có tuyến đường dành cho xe đạp để thể hiện bản sắc riêng có của TP. Buôn Ma Thuột.
 
Thúy Hồng
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.