Multimedia Đọc Báo in

Thành công với kỹ thuật kích thích mắc ca ra hoa sớm

16:46, 26/09/2020

Nhiều năm mày mò tìm hiểu kỹ thuật canh tác mắc ca, anh Phạm Minh Tuấn (xã Cư Né, huyện Krông Búk) đã xử lý ra hoa, tạo tán cây mắc ca thành công mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Không những vậy, anh Tuấn còn trở thành người “cầm tay chỉ việc” cho những nông dân muốn chuyển đổi sang trồng mắc ca trong vùng.

Năm 2010, anh Phạm Minh Tuấn bắt đầu trồng mắc ca từ nguồn giống của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Thời điểm này, việc trồng cây mắc ca vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về hiệu quả lâu dài nên anh chỉ trồng xen gần 200 cây trong diện tích 1 ha cà phê của gia đình. Sau 3 năm, cây sinh trưởng tốt và bắt đầu trổ hoa, cho trái bói. Qua theo dõi vườn cây, anh Tuấn nhận thấy, mặc dù số lượng hoa nhiều nhưng tỷ lệ đậu trái rất thấp. Nguyên nhân là do cây mắc ca trồng tại địa phương thường ra hoa vào thời điểm nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng lớn đến việc đậu trái cũng như sự phát triển của trái non. Anh phải tự tìm hiểu và tham khảo tư vấn kỹ thuật từ bạn bè rồi mày mò thử nghiệm các biện pháp kích thích mắc ca ra hoa sớm hơn để khắc phục tình trạng trên.

Vườn mắc ca  của anh Phạm Minh Tuấn cho năng suất cao nhờ kích thích  ra hoa sớm.
Vườn mắc ca của anh Phạm Minh Tuấn cho năng suất cao nhờ kích thích ra hoa sớm.

Mãi đến năm 2017, anh Tuấn mới thành công vụ mắc ca đầu tiên nhờ áp dụng các biện pháp kích thích ra hoa sớm. Trừ những cây bị thiệt hại do đổ ngã, anh thu hoạch được gần 3 tấn quả sọ tươi, năng suất gấp hơn 10 lần so với vụ thu hoạch năm trước đó. Anh chia sẻ, việc chọn thời điểm hãm nước, thúc phân, phun thuốc kích thích phân hóa mầm hoa đều dựa vào kinh nghiệm của người canh tác là chính. Anh thường xuyên quan sát tình trạng sinh trưởng của cây và điều kiện thời tiết từng năm để có những tác động phù hợp giúp cây mắc ca ra hoa sớm hơn khoảng 1,5 tháng so với tự nhiên. Nhờ ra hoa trong thời điểm khí hậu vẫn còn mát mẻ, phù hợp với đặc tính sinh trưởng nên tỷ lệ đậu trái của mắc ca cao hơn hẳn. Sau giai đoạn này, chỉ cần tăng cường dinh dưỡng để cây cho quả to, hạt đẹp là đảm bảo một vụ mùa bội thu.

Từ khi áp dụng kích thích ra hoa trái vụ thành công, vườn mắc ca của gia đình anh liên tục tăng sản lượng theo mức độ phát triển của cây. Trong khi đó, đầu ra của mắc ca rất rộng, giá dao động từ 75 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng/kg quả sọ tươi nên lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước khoảng 100 triệu đồng. Năm nay, anh dự kiến thu hoạch 5 tấn quả sọ tươi, lãi ròng ước đạt từ 400 – 450 triệu đồng.

Vườn mắc ca của anh Phạm Minh Tuấn (bên trái) trở thành địa điểm tham quan, học hỏi của nông dân trong vùng.
Vườn mắc ca của anh Phạm Minh Tuấn (bên trái) trở thành địa điểm tham quan, học hỏi của nông dân trong vùng.

Tiếng lành đồn xa, nhiều nông dân trong vùng đã đến vườn mắc ca của anh Tuấn để học hỏi kinh nghiệm và đặt mua cây giống. Anh Tuấn đã lựa chọn hơn 20 cây mắc ca phẩm chất tốt nhất, có năng suất cao và ổn định trong vườn để ghép giống cung cấp cho bà con nông dân. Anh cũng tận tình hướng dẫn bà con từ khâu làm đất, xuống giống đến các kỹ thuật cắt cành, tạo tán, chống đổ ngã và đến tận vườn hỗ trợ xử lý ra hoa sớm giúp vườn cây đạt năng suất cao. Anh kỳ vọng, với tiềm năng lớn về đầu ra của hạt mắc ca cùng những ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất này, sẽ có thêm nhiều nông dân làm giàu thành công nhờ cây mắc ca.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.