Multimedia Đọc Báo in

Festival "Sản phẩm vật tư nông nghiệp, thương mại toàn quốc năm 2020": Thêm cơ hội liên kết, hợp tác, phát triển bền vững

09:11, 19/10/2020

Từ ngày 17 đến 21-10, tại TP. Buôn Ma Thuột diễn ra Festival “Sản phẩm vật tư nông nghiệp, thương mại toàn quốc năm 2020” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức.

Cơ hội quảng bá và xúc tiến thương mại

Đây là sự kiện chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội lớn, gồm chuỗi các hoạt động như: Hội chợ triển lãm nông nghiệp - thương mại; Hội thảo chủ đề "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp Đắk Lắk, miền Trung - Tây Nguyên và cả nước sau đại dịch Covid-19"; Chương trình xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư… Các hoạt động này nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh về con người và vùng đất Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Đồng thời, mở ra cơ hội để các tỉnh Tây Nguyên, nhất là Đắk Lắk tăng cường công tác tiếp thị, quảng bá tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp với những sản phẩm chủ lực như: cà phê, ca cao, hồ tiêu, cao su... Qua đó, góp phần tạo tiền đề thu hút đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng vị thế, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 và hội nhập kinh tế quốc tế.

Khách tham quan, mua sắm tại gian hàng của Hội Nông dân tỉnh Bình Phước.
Khách tham quan, mua sắm tại gian hàng của Hội Nông dân tỉnh Bình Phước.

Điểm nhấn trong chuỗi các sự kiện của Festival là Hội chợ Triển lãm nông nghiệp - thương mại, với sự tham gia của hơn 200 đơn vị, doanh nghiệp (DN), 350 gian hàng. Nơi đây đã diễn ra các hoạt động triển lãm thành tựu, tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa – xã hội – an ninh quốc phòng Đắk Lắk; triển lãm sản phẩm vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp - phát triển nông thôn của các đơn vị, DN trên cả nước; Hội chợ sản phẩm vật tư, nông nghiệp với các nhóm hàng hóa, dịch vụ có xuất xứ, chất lượng, uy tín trong nước và xuất khẩu như: thiết bị công nghệ, máy móc; sản phẩm phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, bảo vệ thực vật; các sản phẩm nông nghiệp đã chế biến và các sản phẩm sau thu hoạch...

Hội chợ Triển lãm nông nghiệp - thương mại cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu tiềm năng sản phẩm, vật tư nông nghiệp của tỉnh đến các tổ chức, đơn vị, DN trong và ngoài nước. Đồng thời, tạo ra cơ hội để các sản phẩm chủ lực của Đắk Lắk từng bước xây dựng thương hiệu trở thành các sản phẩm thương mại đặc trưng của tỉnh và của vùng nhằm đẩy mạnh năng lực xuất khẩu của sản phẩm trên thị trường.

Ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, đến nay Festival đã thu hút sự tham gia của 200 tổ sản xuất, hợp tác xã; trên 200 doanh nghiệp; gần 1.000 hội viên, nông dân tham dự.

Nhiều giải pháp thiết thực cho phát triển bền vững

Trong khi đó, Hội thảo “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp Đắk Lắk, miền Trung - Tây Nguyên và cả nước sau đại dịch Covid-19” cũng đã thu hút nhiều chuyên gia và nông dân tham gia. Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá: nông nghiệp Tây Nguyên hiện đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung cao về một số loại nông sản có thế mạnh trên thị trường cả nước và thế giới như cà phê (chiếm 94% sản lượng của cả nước); hồ tiêu (chiếm 56% sản lượng); chè (chiếm 24% sản lượng); hạt điều (chiếm 22% sản lượng cả nước)… Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu hàng hóa, nhất là nông sản Việt Nam, trong đó có nông sản khu vực Tây Nguyên.

Đại diện các doanh nghiệp và Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp  của nông dân Đắk Lắk.
Đại diện các doanh nghiệp và Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của nông dân Đắk Lắk.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp nhưng còn nhiều loại nông sản vẫn chưa được chế biến sâu để tăng giá trị xuất khẩu. Đặc biệt là thương hiệu nông sản vẫn còn ít được biết đến trên thị trường quốc tế.

Để chia sẻ thông tin, quan điểm, tăng cường hiểu biết về tình hình phát triển sản xuất nông nghiệp khu vực Tây Nguyên, đồng thời giúp nông sản Tây Nguyên vượt qua khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu, các chuyên gia đã trình bày nhiều ý kiến về các vấn đề như: ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; nâng cao năng lực chế biến và phát triển thị trường trong bối cảnh hậu Covid-19; tìm kiếm các sản phẩm nông sản chủ lực có lợi thế, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp đồng bộ, trong đó DN là hạt nhân, kinh tế hợp tác là nòng cốt, hộ nông dân và kinh tế hộ là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; đề xuất những cơ chế chính sách, hỗ trợ nông dân trong sản xuất…

Tại các phiên thảo luận, lãnh đạo các bộ, sở, ngành và chuyên gia đã ghi nhận và trả lời nhiều kiến nghị của nông dân về những vấn đề như: cách nhận diện phân bón thật để tránh mua phải phân bón giả, kém chất lượng; giải pháp đối với sự phát triển bền vững cây ăn trái Đắk Lắk và vấn đề xây dựng nhà máy chế biến để tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái cho nông dân; định hướng, chính sách hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp sạch; giải pháp quản lý quy hoạch cây trồng cũng như giải quyết đầu ra cho nông sản để tránh tình trạng “chặt trồng, trồng chặt”; nông dân gặp vướng về các rào cản kỹ thuật quốc tế khi bán hàng trên các trang thương mại điện tử; nguồn gốc giống các loại cây trồng công nghiệp và cây ăn trái; giải pháp để giải quyết những vướng mắc về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, VietGAP…

Ông Nguyễn Khắc Toàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, nông sản tiếp cận được với thị trường thế giới, vai trò của hội viên nông dân, các tổ chức hội rất quan trọng trong việc đẩy mạnh liên kết sản xuất để tạo thành vùng nguyên liệu, phục vụ cho sản xuất hàng hóa, bảo đảm đầu ra và giá cả ổn định; tăng cường sản xuất theo hướng hữu cơ và thực hiện trí thức hóa nông dân. Đặc biệt, để xuất khẩu tốt cần tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm nông nghiệp, nhất là với các sản phẩm chủ lực của vùng Tây Nguyên. Và muốn làm được điều đó, phải bắt đầu từ khâu tổ chức sản xuất, đến khâu chế biến, xúc tiến thương mại, xây dựng bao bì, hình ảnh, thương hiệu…

Tại Hội thảo “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp Đắk Lắk, miền Trung - Tây Nguyên và cả nước sau đại dịch Covid-19”, Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế ETC, Công ty TNHH Giải pháp chất lượng GQS và Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk đã ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của nông dân Đắk Lắk.


Minh Thuận - Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.