Multimedia Đọc Báo in

Tìm đầu ra cho nông sản Krông Pắc

15:38, 04/10/2020

Chiều 3-10, UBND huyện Krông Pắc đã tổ chức Hội nghị giao thương tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp năm 2020.

Tham dự hội nghị có bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương); Tiến sĩ Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác (Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp - Phát triển nông thôn II); cùng đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp, nông dân trên địa bàn.

Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị

Huyện Krông Pắc hiện có 16 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn, tổng dân số toàn huyện năm 2019 là 194.910 người, với 23 dân tộc cùng sinh sống. Những năm qua kinh tế của huyện tăng trưởng khá, giai đoạn 2015 - 2020 đạt gần 9,8%/năm. Năm 2020, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong tổng sản phẩm của huyện chiếm 56%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng gần 16,4%; thương mại dịch vụ hơn 27,6%.

Tiến
Tiến sĩ Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác phân tích về những thuận lợi, khó khăn của nông sản khi hội nhập

Tại hội nghị, các đại biểu đã được thông tin về thương hiệu, bản quyền thương hiệu; định vị sản phẩm từ giống đến chất lượng sản phẩm; cách quảng bá sản phẩm, giới thiệu sản phẩm thông qua sự kết nối giữa các đối tác với nhau. Đặc biệt là những cách kiểm tra chất lượng sản phẩm, đất, nước thông qua các loại phương tiện, máy móc hiện đại để người dân, doanh nghiệp có thể chủ động trong việc kiểm soát sản xuất.

Đại diện doanh nghiệp nêu khó khăn về việc nâng cao chất lượng và phát triển thị trường tiêu thụ
Đại diện doanh nghiệp nêu khó khăn về việc nâng cao chất lượng và phát triển thị trường tiêu thụ

Hiện tại, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực với nhiều nông sản có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, bơ… Tuy nhiên, hiện nay chất lượng vẫn là vấn đề quan trọng cần có sự quan tâm đầu tư tương xứng để có thể có chỗ đứng trong hội nhập quốc tế. Nông sản luôn có cơ hội xuất khẩu sang các thị trường EU, Nhật Bản…, tuy nhiên luôn có những điều kiện đi kèm về diện mạo, khối lượng, chất lượng sản phẩm. Do đó, để tham gia thị trường này, nông dân cần liên kết thành những tổ chức nông dân để sản xuất đồng bộ, từng bước nâng cao chất lượng theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…

Các đại biểu trả lời ý kiến của các doanh nghiệp tại hội nghị
Các đại biểu trả lời ý kiến của doanh nghiệp tại hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng nhìn nhận, Krông Pắc có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp. Để có thể biến tiềm năng thành hiện thực thì ngoài định vị thương hiệu cho các loại nông sản, địa phương cần chú trọng đến việc nghiên cứu thị trường; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp, hiệp hội với nhau để cùng đồng hành và phát triển.

Đại diện doanh nghiệp ký cam kết đầu tư với địa phương
Đại diện doanh nghiệp ký cam kết đầu tư với địa phương

Tại hội nghị, các nhà đầu tư đã ký cam kết đầu tư một số dự án: Khu liên hiệp nông nghiệp công nghệ cao; Nhà máy chế biến sầu riêng; Trang trại heo công nghệ cao; Trang trại nuôi heo; Nhà máy giày da...

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.