Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghiệp thành công với sản phẩm hồ tiêu, cà phê đặc sản

09:30, 01/11/2020

Vừa trở về từ Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, chị Huỳnh Thị Nga (Công ty Cổ phần Nam Tây Nguyên) lại tất bật với việc sản xuất các sản phẩm hồ tiêu, cà phê đặc sản.

Chị Nga là giảng viên Khoa Kinh tế, Trường Đại học Tây Nguyên. "Khởi nghiệp là học phần bắt buộc của sinh viên khoa Kinh tế do tôi trực tiếp giảng dạy. Trong khi đó, nhiều năm gần đây giá cả các loại nông sản bấp bênh. Vì vậy, tôi nảy ra ý tưởng khởi nghiệp từ cà phê, hồ tiêu nhằm nâng cao giá trị cho nông sản, hướng nông dân sản xuất hữu cơ, đồng thời chứng minh bằng hành động cho sinh viên biết về khởi nghiệp”,  chị Nga cho hay.

 

Chị Huỳnh Thị Nga (bên trái) giới thiệu quy trình chế biến cà phê đặc sản.    Ảnh: T.Dung
Chị Huỳnh Thị Nga (bên trái) giới thiệu quy trình chế biến cà phê đặc sản. Ảnh: Thùy Dung

 

Năm 2017, chị Nga khởi nghiệp bằng chế biến sản phẩm tiêu đa sắc. Theo đó, chị  ký hợp đồng với 5 hộ dân sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ, khi tiêu chín được 30% trên cây thì thu hoạch để hạt tiêu có nhiều màu sắc xanh, đỏ, nâu. Hơn nữa, hồ tiêu khi hái có quả xanh, quả hườm, quả chín sẽ cho mùi vị khác nhau - đó là vị thơm dịu của tiêu chín đỏ, vị thơm nồng của tiêu xanh…, hoàn toàn khác với mùi vị của loại tiêu chín cùng lúc. “Những mẻ tiêu đầu tiên sau khi sấy không cho màu ưng ý. Sau đó, chồng tôi hỗ trợ thiết kế và cải tiến một máy sấy tiêu bằng bóng hồng ngoại có công nghệ khá phức tạp nhằm giữ lại hương vị tự nhiên nhất, không sử dụng bất kỳ loại phụ gia nào. Nhờ vậy, tôi đã có sản phẩm tiêu đa sắc với màu và hương vị ưng ý để đưa ra thị trường”, chị Nga trò chuyện. Năm 2018, chị Nga đem sản phẩm tiêu đa sắc tham dự Cuộc thi Khởi nghiệp tại Đắk Lắk và lọt vào top 30 chung cuộc.

Đầu năm 2020, chị Nga tham gia chương trình phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức với Dự án “Mô hình liên kết gia tăng giá trị cà phê với đầu ra là cà phê đặc sản tại tỉnh Đắk Lắk”. Dự án đã đoạt giải “Ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng, bảo vệ môi trường” và được tài trợ trực tiếp 230 triệu đồng để phát triển.

Thành công với sản phẩm tiêu đa sắc, chị Nga tiếp tục khởi nghiệp sản phẩm từ cà phê. Năm 2018, khi tại Đắk Lắk đang tập trung phát triển cà phê đặc sản, nâng cao chất lượng, giá trị cà phê, chị Nga quyết định đầu tư hơn 450 triệu đồng thuê 300 m2 sân làm nhà kính phơi cà phê, mua máy rang xay, lên kế hoạch xây dựng thương hiệu Ripe coffee theo mô hình liên kết gia tăng giá trị với đầu ra là cà phê đặc sản. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, chị liên kết với 10 hộ dân sản xuất cà phê hữu cơ tại huyện Cư M'gar, tổng diện tích 10 ha. Chị Nga cho hay: “Theo thói quen, người dân thu hoạch khi cà phê chín từ 20 - 30%, nên tôi ký hợp đồng với các hộ để bà con tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, tỷ lệ quả chín đạt trên 90% mới thu hái, đương nhiên giá thu mua cũng cao hơn 40%”. Sau khi thu hoạch xong, chị thuê nhân công lựa hết quả xanh, chỉ để lại quả chín dùng chế biến. Cà phê được rang mộc hoàn toàn để lưu giữ hương vị tinh khiết của cà phê. Hiện nay, trung bình mỗi tháng chị cung cấp hơn 1,5 tấn cà phê bột cho các quán cà phê, hệ thống quà đặc sản. Sắp tới chị sẽ liên kết thêm với nông dân, tăng diện tích nhà kính phơi thêm 1.000 m2; đồng thời mua máy tách màu quả tươi để giảm thời gian, nhân công tách cà phê chưa đạt độ chín.

 

Các sản phẩm khởi nghiệp của cô giáo Huỳnh Thị Nga. Ảnh: T.Dung
Các sản phẩm khởi nghiệp của chị Huỳnh Thị Nga. Ảnh: Thùy Dung

 

Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ, nhất là với phụ nữ và lại chọn sản phẩm cà phê, hồ tiêu. Vậy nhưng sau gần 4 năm khởi nghiệp, các sản phẩm hồ tiêu, cà phê đặc sản của chị Nga được nhiều người biết đến, lợi nhuận ổn định. Hiện nay, chị đang làm hồ sơ chứng nhận sản phẩm OCOP và chuẩn bị cho Cuộc thi cà phê đặc sản...

Thùy Dung

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.