Trợ lực giúp người dân thoát nghèo
Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Cư Kuin đã làm tốt nhiệm vụ cung ứng cho các đối tượng được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân trên địa bàn đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Một trong những địa phương làm tốt công tác tín chấp, tạo điều kiện cho hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng để phát triển kinh tế là xã Hòa Hiệp. Ông Trịnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hiệp cho hay, để giúp hội viên có vốn đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập, Hội Nông dân xã đã cùng với Ngân hàng CSXH huyện giải quyết nhanh chóng các thủ tục và tạo điều kiện cho các hội viên vay vốn. Hiện Hội có 5 tổ vay vốn với tổng dư nợ vay từ Ngân hàng CSXH hơn 8,6 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ nông dân đã đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững với các mô hình trồng dưa hấu, chăn nuôi bò sinh sản, xen canh cà phê...
Người dân xã Hòa Hiệp sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để chuyển đổi mô hình trồng lúa sang trồng dưa hấu. |
"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác vốn vay và UBND các xã tiếp tục tuyên truyền để người dân nắm bắt được các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ; bình xét cho vay đảm bảo hợp lý, đúng đối tượng để nguồn vốn tín dụng chính sách được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả".
ông Nguyễn Phan Hoài Hưng, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Kuin.
|
Anh Y Wel H’Long ở buôn Cư Knao, xã Hòa Hiệp trước đây là hộ nghèo. Năm 2015, được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện, anh đã đầu tư chăm sóc 5 sào cà phê. Nhờ áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, cây phát triển tốt, năng suất cao, thu nhập từ cà phê đã giúp anh trả hết cả gốc lẫn lãi vay vào năm 2020. Để mở rộng sản xuất, anh Y Wel tiếp tục được hỗ trợ vay 80 triệu đồng mua 3 con bò giống về nuôi. Đến nay, đàn bò đã sinh 3 bê con, cho thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Thu nhập ổn định từ trồng cà phê và nuôi bò đã giúp gia đình Y Wel thoát nghèo bền vững.
Cũng ở buôn Cư Knao, anh Y Sem Bkrông sau khi lập gia đình được bố mẹ cho ra ở riêng với 3 sào đất. Do không có vốn đầu tư nên anh chỉ trồng bắp. Năm nào thời tiết thuận lợi, được mùa cũng chỉ thu được gần 1 tấn bắp hạt ước tính khoảng 3 triệu đồng. Cách đây 3 năm, anh được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư trồng cà phê. Khi cây cà phê trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, anh tận dụng đất trống tỉa bắp. Hiện tại, cà phê của gia đình Y Sem đã cho thu bói được hơn một tấn quả tươi/năm. Với Y Sem, nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH hội huyện đã trở thành “cứu cánh” giúp anh mạnh dạn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế.
Ngoài sử dụng nguồn vốn vay để sản xuất, nhiều hộ dân tại huyện Cư Kuin còn được tiếp cận các nguồn vốn vay linh động để chăn nuôi, tăng thu nhập. |
Ông Nguyễn Phan Hoài Hưng, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cư Kuin cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội", đời sống của người dân nghèo đã từng bước được khởi sắc. Hiện Ngân hàng đang triển khai 10 chương trình tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, giúp hơn 10.620 lượt hộ được vay vốn với tổng dư nợ gần 310 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hộ nghèo trên 41 tỷ đồng với gần 1.600 hộ; cho vay giải quyết việc làm cho gần 200 lượt hộ với số tiền trên 6,6 tỷ đồng và cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn trên 81,7 tỷ đồng.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc