Multimedia Đọc Báo in

Ước mơ nâng tầm thời trang Việt

13:52, 24/11/2020

Câu chuyện khởi nghiệp thành công từ bán hàng qua mạng (online) của người sáng lập chuỗi cửa hàng thời trang Gumac Lê Thành Vân đang trở thành động lực và lan tỏa cảm hứng khởi nghiệp trong giới trẻ cả nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng.

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Ea Riêng, huyện M’Drắk, chàng trai trẻ Lê Thành Vân (SN 1986) hình thành tính cần mẫn, chăm chỉ từ sớm.

Anh Vân tâm sự, ý chí và nguồn động lực để vươn lên trong cuộc sống của anh được truyền từ chính cha mình. Lớn lên trong từng giọt mồ hôi ướt đẫm của cả cha lẫn mẹ, anh càng tôi luyện cho mình sự kiên nhẫn, cố gắng trong học tập và những công việc khác. Học xong cấp 3, đi theo con đường mà cha mẹ mình đã kỳ vọng và mơ ước, chàng trai Lê Thành Vân thi đỗ vào Khoa Hàng hải, Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp đại học, anh đã không đi theo con đường lái tàu viễn dương mà lại đam mê với kinh doanh. Thời điểm mạng xã hội Facebook mới xuất hiện ở Việt Nam, anh Vân đã biến tài khoản của mình thành công cụ kiếm tiền. Anh trở thành một trong những người đầu tiên ở Việt Nam bán hàng qua mạng trong giai đoạn 2012 – 2013. Ngày đó, anh tham gia các diễn đàn, thấy sản phẩm nào “hot” thì kiếm nguồn cung, mua đi rồi bán lại. Lợi nhuận thu được giúp anh không những có thể tự lo cho cuộc sống mà còn giúp đỡ được gia đình.

CEO Gumac Lê Thành Vân bên những sản phẩm thời trang của mình.
CEO Gumac Lê Thành Vân bên những sản phẩm thời trang của mình.

Năm 2015, sau ba năm kiếm tiền theo kiểu “lắt nhắt”, anh Vân quyết định chuyển hướng, mở shop kinh doanh thời trang. Gushop, cái tên đầu tiên cũng là nền tảng đưa anh tiếp cận thị trường. Vì mặt bằng quá hẹp, chỉ trong 30 m2, không đủ để trưng bày hay trang trí nhiều, anh Vân đã dùng Facebook của mình để livestream (phát trực tiếp), tỉ mỉ khoe từng sản phẩm, từng thông số cũng như cách kết hợp các sản phẩm... để khách hàng có được lựa chọn hoàn hảo. Đồng thời anh cũng chia sẻ chuyện đời, chuyện người đúng với những giá trị mình đang theo đuổi với các bà nội trợ, nhân viên văn phòng... đang theo dõi online. Không ngờ, những câu chuyện thú vị cũng như triết lý sống tin tưởng, yêu đời của chính con người anh lại gây được thiện cảm. Đơn hàng online đổ về, tạo điều kiện cho ông chủ trẻ mở thêm những cửa hàng mới. Năm 2016, anh Vân mở thêm cửa hàng thứ hai và lấy tên là Gumac, có nghĩa là "mặc có gu". Lúc này, anh chính thức chọn thương hiệu Gumac cho chuỗi cửa hàng thời trang của mình.

Anh Vân cho rằng, kinh doanh trong thời đại 4.0, kết nối Internet, ai có được niềm tin và sự ủng hộ của khách hàng sẽ là người chiến thắng. Ngay từ khi bước chân vào kinh doanh thời trang, anh đã đề ra cho mình mục tiêu là giúp những phụ nữ bình thường có thể đẹp hơn nhưng vẫn giữ được cá tính. Do vậy, anh chọn phân khúc tầm trung từ 300 - 500 nghìn đồng/sản phẩm để dễ tiếp cận khách hàng và đặc biệt là dễ bán online. Qua tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, anh Vân nhận thấy giới trẻ Việt ngày càng gia tăng đáng kể chi tiêu cho trang phục. Ước tính, giá trị tiêu dùng hàng dệt may Việt Nam mỗi năm đạt khoảng 5 - 6 tỷ USD, tương đương 120 – 140 nghìn tỷ đồng và thị trường thời trang Việt Nam có mức tăng trưởng 15 - 20%/năm. Khi tham gia thị trường, phải cố gắng tìm ra điểm nổi trội mới có thể khác biệt, vì vậy anh chú tâm vào dịch vụ, chính sách bán hàng... Chính nhờ sự kiên trì và tâm huyết của mình và các cộng sự, đến nay thương hiệu thời trang Gumac đã có 85 cửa hàng trên toàn quốc. Anh Vân đã hoàn thành mục tiêu mà mình đặt ra là đến năm 2020, Gumac sẽ hiện diện khắp 63 tỉnh thành trên cả nước. Không những thế, hiện nay công tác tổ chức đội ngũ thiết kế đã được chú trọng hơn, thêm nhiều sáng tạo hơn để Gumac có thể triển khai thêm phân khúc cao cấp.

 

Một cửa hàng thời trang của thương hiệu Gumac. 
Một cửa hàng thời trang của thương hiệu Gumac.

CEO Gumac Lê Thành Vân được xem là một trong những startup thành công và cũng chính là một ví dụ cho sự khác biệt trong kinh doanh online. Tuy không có lợi thế về ngoại hình, về tiềm lực kinh tế hay chuyên môn về thời trang, nhưng chính sự chân thành, sáng tạo và cách làm độc đáo của chàng trai sinh ra trên mảnh đất Đắk Lắk đã giúp Gumac có sự bứt phá mạnh mẽ trong kinh doanh thời trang thời gian gần đây. Đó cũng là niềm tin cho chàng CEO trẻ tuổi nâng tầm thương hiệu, xây hệ thống 400 cửa hàng vào cuối năm 2022 và xa hơn là từng bước đưa thời trang Việt bước ra toàn cầu.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.