Multimedia Đọc Báo in

Đồng hành với doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

08:13, 14/01/2021

Trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp (DN) của tỉnh có thêm nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để có thể đứng vững, DN cần chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và nắm bắt được những chuẩn mực của khu vực cũng như quốc tế.

Đắk Lắk hiện có hơn 10.000 DN đăng ký kinh doanh, trong đó có 58 DN nhà nước, 9.514 DN dân doanh, 241 hợp tác xã, 6 DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông Trương Công Hồng, Phó Giám đốc Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh chủ yếu là DN nhỏ và vừa, nguồn vốn, chất lượng nguồn lao động, trình độ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ… còn nhiều hạn chế. Một số DN vẫn chưa chú trọng cải thiện về chất lượng sản phẩm cũng như chiều sâu trong công tác quản lý. Tỉnh chưa có nhiều thương hiệu nổi tiếng hấp dẫn khách hàng và sản phẩm hàng hóa chưa đáp ứng được một số tiêu chuẩn chất lượng của thị trường quốc tế.

Vì vậy, việc nâng cao năng suất, chất lượng là vấn đề cốt lõi gắn với quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của DN. Bản thân DN cần phải chủ động hơn trong việc nắm bắt thông tin về các hiệp định thương mại (FTA) và thay đổi cách quản trị, từ đó có phương án sản xuất phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Thu hoạch sản phẩm tại Công ty Cổ phần Thực phẩm sạch Núi Xanh.
Thu hoạch sản phẩm tại Công ty Cổ phần Thực phẩm sạch Núi Xanh.

Đồng hành cùng DN, từ ngày 17-1-2014, UBND tỉnh đã có Quyết định số 176/2014/QĐ-UBND phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2014 - 2020” (viết tắt là Dự án). Hoạt động hỗ trợ DN trọng tâm hướng vào ứng dụng, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và cải tiến mẫu mã sản phẩm thông qua việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, quy chuẩn kỹ thuật, công cụ hiện đại vào sản xuất.

Giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh đặt ra mục tiêu là số DN được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng hằng năm tăng từ 10 - 15%; có ít nhất 100 DN được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn quốc.

Trên cơ sở đó, các sở, ngành theo chức năng quản lý của mình cũng đã chủ động triển khai những mô hình hỗ trợ thiết thực cho DN như hỗ trợ sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; nghiên cứu, cải tiến công nghệ thiết bị chế biến và sấy cà phê ướt quy mô nông hộ; ứng dụng công nghệ lò trung tần trong công đoạn nấu luyện gang để sản xuất các sản phẩm gang đúc... đã góp phần định hướng, khuyến khích sản xuất sạch trong nông nghiệp, sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, từng bước cải tiến, đưa máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất. Qua 6 năm triển khai, có 130 DN tham gia Dự án. Đến nay đã có 50 DN áp dụng thành công các hệ thống quản lý công cụ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như: ISO 9001, ISO 22000, HACCP, ISO 14000; công cụ cải tiến thường được các DN áp dụng là 5S, KAIZEN…

Theo bà Nguyễn Thị Chu Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ), DN đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, còn Nhà nước sẽ tạo nền tảng, hỗ trợ DN thực thi các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh trên thị trường. Thực tế cho thấy, khi Dự án được triển khai trên địa bàn đã giúp DN đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt là đã giúp DN thay đổi mạnh mẽ về tư duy sản xuất, xây dựng các công đoạn sản xuất tuân thủ theo quy trình và các tiêu chuẩn, tiêu chí đề ra, quản lý DN một cách chuyên nghiệp hơn.

Đóng gói bao bì sản phẩm tại Công ty Cổ phần Thực phẩm sạch Núi Xanh.
Đóng gói bao bì sản phẩm tại Công ty Cổ phần Thực phẩm sạch Núi Xanh.

Công ty Cổ phần Thực phẩm sạch Núi Xanh (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) là DN điển hình của tỉnh trong việc thực hiện nâng cao năng suất chất lượng. Năm 2018, công ty được hỗ trợ tham gia Dự án với nội dung áp dụng hệ thống “Phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn cho lĩnh vực sơ chế rau, củ, quả theo tiêu chuẩn HACCP". Năm 2019, Dự án tiếp tục hỗ trợ DN áp dụng “Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018”. Bà Hoàng Thị Thúy, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm sạch Núi Xanh cho hay, các hệ thống quản lý chất lượng mang lại hiệu quả khá rõ. Tất cả mọi hoạt động đều được xây dựng theo quy trình, quá trình thực hiện luôn được ghi chép đầy đủ, cẩn thận và có thể truy cứu bất kỳ một hoạt động nào. Từ đó đã giúp tạo ra được sản phẩm an toàn vệ sinh, tăng thế cạnh tranh cho sản phẩm, xây dựng niềm tin với người tiêu dùng, giảm chi phí thử nghiệm và công bố chất lượng. Việc quản lý cũng trở nên khoa học, tiết kiệm chi phí hơn.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Đắk Lắk sẽ tiếp tục tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ DN áp dụng các công cụ và hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt là việc cập nhật những nội dung quản lý thông minh, truy xuất nguồn gốc theo hệ thống các tiêu chí, xây dựng quy trình. Qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.