Multimedia Đọc Báo in

Nông dân huyện Ea H'leo tập trung chăm sóc vụ hoa Tết

08:24, 18/01/2021

Chưa đầy một tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, đây là thời điểm “nước rút” quyết định thành bại của một mùa trồng hoa Tết. Hiện các nhà vườn trồng hoa cúc ở huyện Ea H’leo đang tất bật chăm sóc để kịp cung cấp hoa phục vụ thị trường Tết.

Theo thống kê của Hội Nông dân huyện Ea H’leo, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 70 nhà vườn trồng hoa cúc bán tết, trong đó có 10 hộ trồng với số lượng lớn từ 1.000 - 3.000 chậu; số hộ còn lại chỉ trồng từ 100 - 800 chậu. Những ngày này, nhiều nhà vườn trồng hoa đã bước vào đợt chăm bón cao điểm.

Nhân công chăm sóc hoa cúc của gia đình anh Nguyễn Văn Vũ.
Nhân công chăm sóc hoa cúc của gia đình anh Nguyễn Văn Vũ.

Gia đình anh Nguyễn Văn Vũ (ở thôn 4, xã Ea Răl) đã có hơn 10 năm trồng hoa cúc chậu. Những năm trước đây, gia đình anh trồng khoảng 3.000 chậu hoa cúc phục vụ thị trường tết. Vụ hoa năm ngoái, mỗi chậu hoa anh bán lẻ với giá 220.000 đồng/chậu, bỏ sỉ cho các thương lái với giá 200.000 đồng/chậu; sau trừ chi phí gia đình anh lãi hơn 100 triệu đồng. Nhờ có kinh nghiệm nhiều năm trồng hoa, bảo đảm quy trình từ khâu làm đất, xuống giống, tạo dáng, tỉa cành, làm nụ... nên vườn hoa cúc của gia đình anh luôn phát triển tốt, ra nụ đều, dáng đẹp, được thương lái mua nhiều. Năm nay, trước tình hình kinh tế chung gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 cũng như giá cả nông sản bấp bênh, anh Vũ thận trọng giảm số lượng hoa xuống còn 2.000 chậu. Thời điểm này, anh đã cắm que cho vườn cúc, buộc dây cố định để giữ cho cây cao, thẳng và tắt đèn để cho hoa “ngủ” không phát triển cành, nhánh nữa mà bắt đầu gom búp. Hiện tại anh Vũ đang thuê 5 nhân công thường xuyên chăm tưới và tỉa nụ hoa. Mặc dù một nửa số chậu hoa cúc trong vườn đã được mối sỉ ở các huyện lân cận và người dân các xã trong huyện đặt mua với giá dao động từ 150.000 – 300.000 đồng/chậu tùy từng loại nhưng anh Vũ vẫn thấp thỏm, lo lắng đầu ra cho số hoa còn lại.

Với gần 1 sào đất trong vườn nhà, trước đây gia đình anh Nguyễn Văn Hương (ở buôn Tùng Thăng, xã Ea Răl) chủ yếu trồng các loại rau ngắn ngày song hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2014, anh quyết định chuyển sang trồng hoa cúc chậu. Từ chỗ chỉ vài chục chậu  trồng để tích lũy kinh nghiệm, năm 2020 gia đình anh trồng tăng lên 300 chậu và đến ngày 29 Tết đã bán hết toàn bộ số hoa trong vườn. Năm nay do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân nên gia đình anh Hương không dám trồng nhiều vì sợ tiêu thụ không được, chỉ trồng 200 chậu. Anh Hương chia sẻ, so với các loại hoa khác, trồng hoa cúc tuy vất vả, tỉ mẩn chăm bón nhưng mang lại thu nhập ổn định. Anh đang hy vọng năm nay số hoa của gia đình cũng sẽ bán được giá và hết sớm.

Ông Nguyễn Đình Hoạt, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ea H’leo cho biết, vụ hoa Tết là thời điểm người trồng hoa trông đợi nhất trong năm; tuy nhiên, năm nay nhiều nhà vườn lo ngại trước diễn biến thất thường của thời tiết và biến động của thị trường do dịch bệnh nên không dám đầu tư trồng nhiều như mọi năm. Bà con vẫn đang hy vọng vào thắng lợi ở vụ hoa Tết năm nay để có thêm thu nhập sắm sửa một cái tết đủ đầy..

Hoài Nam

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.