Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh công tác kiểm soát bệnh cúm gia cầm

17:08, 22/02/2021

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm kịp thời và có hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện gửi Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan.

Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, từ cuối năm 2020 đến nay đã xuất hiện 10 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 và A/H5N1 tại 7 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Phú Yên và Long An), với tổng số gia cầm buộc phải tiêu hủy trên 11.000 con.

Nhận định trong thời gian tới, nguy cơ dịch cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao, do giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, kết hợp việc giao thương buôn bán, vận chuyển gia cầm tăng cao, tổng đàn gia cầm lớn, mật độ chăn nuôi cao. Đặc biệt là chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn sinh học; ở các địa phương có ổ dịch cũ và có sự lưu hành của vi rút cúm gia cầm.

ảnh
Người dân ở xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) chủ động phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm kịp thời và có hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố ở những địa phương có ổ dịch cúm gia cầm cũ, có nguy cơ cao cần tập trung nguồn lực để tổ chức kiểm soát, không để dịch bệnh cúm gia cầm tái phát; tuyên truyền, vận động người chăn nuôi tự bỏ kinh phí mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng cúm gia cầm cho đàn gia cầm của mình, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu là 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng; thường xuyên rà soát và tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng; hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng chuồng trại, phương tiện vận chuyển, các vật dụng phục vụ chăn nuôi bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành lập các đoàn công tác để kiếm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện những giải pháp cụ thể về tổ chức phòng, chống dịch cúm có hiệu quả; chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm để kịp thời cảnh báo tình hình dịch bệnh, phối hợp với chính quyền cơ sở xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với vi rút cúm gia cầm, chủng A/H5N1 và A/H5N6.

ảnh
Chăn nuôi gà thịt quy mô nông hộ ở thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar)

Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát buôn lậu, đặc biệt là ở các huyện có đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia, phải tổ chức quyết liệt ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý, nhất là đối với các trường hợp vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép vào địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, các sở, ngành, đơn vị liên quan dựa theo chức năng, nhiệm vụ được phân công thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh cúm gia cầm.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.