Huyện Krông Ana: Phát huy tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp
Với diện tích đất nông nghiệp tương đối lớn và đa dạng, phù hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị cao như cà phê, tiêu, lúa nước và một số loại cây ăn trái, huyện Krông Ana đã và đang chú trọng tuyên truyền, định hướng cho người dân phát huy thế mạnh địa phương, nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện đời sống cho người dân.
Là một trong những địa phương có diện tích lúa nước lớn của tỉnh, với các vựa lúa ở các xã Bình Hòa, Quảng Điền, Dur Kmăl và thị trấn Buôn Trấp, hằng năm, lúa gạo đóng góp lớn vào giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện, nên việc phát triển sản xuất lúa gạo được huyện Krông Ana đặc biệt quan tâm với những chiến lược mang tính lâu dài.
Ngoài việc đưa những giống lúa phù hợp vào gieo trồng, hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ vào sản xuất thì việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana” giúp sản phẩm gạo của huyện khẳng định được nguồn gốc, xuất xứ, chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm. Từ đó tạo cơ hội thuận lợi để quảng bá, xúc tiến đầu tư, phát huy lợi thế cạnh tranh để tăng giá trị kinh tế cho người dân tại địa phương.
Sản phẩm gạo có xuất xứ từ huyện Krông Ana thời gian gần đây được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá là gạo có chất lượng thơm ngon, vị đậm, dẻo mang đặc thù của vùng đất Tây Nguyên và rất được ưa chuộng. Bên cạnh đó nhãn hiệu “Gạo Krông Ana” còn là động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành kinh tế khác như công nghiệp chế biến, dịch vụ, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Kiểm tra năng suất, chất lượng giống lúa mới. |
Phát huy thế mạnh địa phương, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về sản xuất nông nghiệp, tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; lãnh đạo huyện thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với nông dân cũng như tiến hành khảo sát nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình canh tác. Chú trọng tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp cho nông dân, xây dựng mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi; tập trung củng cố, nâng cao năng lực các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp.
Đồng thời, hỗ trợ nông hộ ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp. Đẩy mạnh phong trào thi đua sáng tạo phát triển sản xuất - kinh doanh, từng bước nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân gắn với liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ theo tiêu chuẩn, có sức cạnh tranh cao, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
Mô hình trình diễn giống lúa mới tại cánh đồng xã Bình Hòa. |
Cùng với việc phát huy thế mạnh về phát triển lúa gạo trong sản xuất nông nghiệp, huyện Krông Ana đã tập trung tăng cường nguồn lực, đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế để xây dựng và phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, cộng đồng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ưu tiên nguồn vốn, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng du lịch, bảo vệ, tôn tạo, khôi phục và phát triển các lễ hội văn hóa truyền thống, đầu tư phát triển các công trình vui chơi giải trí mang tính đặc trưng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách trong và ngoài nước làm cơ sở cho sự hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch, tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động phát triển du lịch của huyện Krông Ana, nhất là đối với các di tích quốc gia như thắng cảnh cụm thác Gia Long (Dray Sáp thượng), thắng cảnh Dray Nur tại Buôn Kuốp (xã Dray Sáp)...
Võ Đại Huế
Chủ tịch UBND huyện Krông Ana
Ý kiến bạn đọc