Khởi nghiệp "xanh"
Bằng sự sáng tạo và đam mê, những dự án khởi nghiệp “xanh” đang được nhiều bạn trẻ hướng đến với mục đích không chỉ tạo ra những sản phẩm độc đáo để làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn thân thiện với môi trường.
Cô gái trẻ với niềm đam mê cói
Tốt nghiệp đại học rồi làm việc 4 năm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại TP. Hồ Chí Minh, việc kinh doanh giày cói đến với chị Lưu Thúy Vân (SN 1991, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) như một cơ duyên. Từ chỗ nhập giày về bán và nhận được phản hồi khá tốt từ khách hàng, năm 2018, chị Vân trở về quê nhà lập nghiệp với xưởng sản xuất giày cói mang thương hiệu Valosi. Chọn khởi nghiệp với sản phẩm làm từ cói, chị Vân ý thức được những khó khăn mà mình sẽ gặp phải. Đó không chỉ là tìm tòi, phát triển mẫu mã, kiểu dáng phù hợp với nguyên liệu mà còn làm sao để có chỗ đứng trên thị trường, cạnh tranh được với các sản phẩm khác.
Theo chị Vân, giày cói là sản phẩm mới trong ngành giày tại Việt Nam, nó bắt kịp xu hướng mua sắm thân thiện với môi trường của người tiêu dùng. Thiết kế của giày có tới 85% là cói tự nhiên được xử lý mối mọt, thân giày làm bằng vải coton, đế cao su. Mỗi sản phẩm đều được làm thủ công và có giá thành 320.000 đồng. Do giày cói có đặc tính nhẹ và êm nên thị trường hướng đến của Valosi là đối tượng khách hàng độ tuổi từ 23 - 34, làm việc trong môi trường văn phòng, thích hoạt động ngoài trời và du lịch dã ngoại.
Chị Lưu Thúy Vân giới thiệu với khách hàng về sản phẩm giày cói. |
Khởi nghiệp tại quê hương, chị Lưu Thúy Vân còn mong muốn đưa sản phẩm mang nét văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên đến với các nước trên thế giới. Cũng từ đó, sản phẩm giày cói thổ cẩm với họa tiết đặc trưng của người dân tộc Êđê ra đời và được khách hàng rất ưa chuộng. Hiện nay, ngoài việc sản xuất theo đơn đặt hàng của các nhãn hàng, cửa hàng, sản phẩm giày cói Valosi đang được phân phối ở các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Mỗi tháng trung bình chị Vân xuất bán từ 100 - 200 đôi giày, thu về lợi nhuận từ 20 - 40 triệu đồng, tạo công việc thời vụ cho 3 lao động trẻ tại địa phương.
Mới đây, tại Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cấp tỉnh, dự án sản xuất giày cói Valosi của chị Lưu Thúy Vân đã đoạt giải Khuyến khích và được đánh giá là một trong số những dự án có triển vọng. Thời gian tới, chị Vân dự định kêu gọi nhà đầu tư để mở một xưởng sản xuất quy mô lớn hơn, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Đồng thời tìm kiếm thị trường, phối hợp với các nhãn hàng lớn để thương hiệu giày cói Valosi đi xa hơn và có cơ hội xâm nhập thị trường quốc tế.
Làm vườn trong... Bình thủy tinh
Có niềm đam mê với cây cảnh từ nhỏ, anh Đoàn Trọng Hùng (SN 1990, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) luôn mong muốn có thể tạo ra không gian xanh, những khu vườn đầy màu sắc trong các ngôi nhà ở đô thị. Trong một lần tìm kiếm thông tin trên mạng Internet, anh rất ấn tượng với những cây cảnh nhỏ mini xanh mướt trồng trong những bình thủy tinh kín - là một bộ môn nghệ thuật mang tên Terrarium. Những tác phẩm đó đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của anh về con đường khởi nghiệp.
Anh Hùng cho hay, nghệ thuật tiểu cảnh mini - Terrarium đã được ưa chuộng trên thế giới từ rất lâu, nhưng còn khá lạ lẫm tại Việt Nam. Với cây cảnh mini, bạn hoàn toàn có thể tạo những không gian xanh đẹp trong những ngôi nhà có diện tích hẹp, quán cà phê, nhà hàng, nơi làm việc...
Để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp này, anh đã quyết định thôi học Đại học ngành Kế toán để học Trung cấp ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật, đồng thời dành ra 2 năm vào rừng quan sát đặc điểm sinh trưởng, phát triển của các loại cây. Đa số các sản phẩm đều có bố cục mô phỏng lại vẻ ngoài tự nhiên. Ngoài việc thiết kế hang đá, suối thì các loại cây được dùng để tạo hình đều là cây cảnh mini như: Dương xỉ, không khí, dứa màu Nam Mỹ, các loại rêu… Mỗi sản phẩm tạo ra tùy theo nguyên liệu, kích thước có giá bán từ 500 nghìn đến hàng chục triệu đồng. Lượng tiêu thụ tiểu cảnh thường tăng cao hơn vào dịp cuối năm, khi mọi người có nhu cầu trang hoàng lại nhà cửa để đón năm mới. Trung bình mỗi năm, mô hình tiểu cảnh mini của anh cho thu nhập gần 200 triệu đồng.
Anh Đoàn Trọng Hùng với các sản phẩm tiểu cảnh mini - Terrarium. |
Theo anh, để tạo nên một sản phẩm, ngoài kiến thức kỹ thuật chăm bón, điều cốt lõi là tác giả phải thể hiện được chiều sâu để bất kỳ ai ngắm nhìn đều có cảm giác như đang ở trong một khu vườn thật. Điểm đặc biệt trong sản phẩm của anh là có thể tận dụng những đồ dùng cũ trong gia đình như ly, tách, chai lọ thủy tinh hoặc hồ cá cảnh, quả cầu thủy tinh, bình thí nghiệm, bóng đèn… Anh Hùng chia sẻ: “Việc tận dụng chai lọ, bể thủy tinh làm nên một tiểu cảnh không những đem lại sự thi vị trong không gian sinh hoạt, tôn vinh vẻ đẹp của những loài thực vật đầy màu sắc kia, mà còn rất thân thiện với môi trường”.
Khởi nghiệp thành công, anh Hùng còn lập một kênh youtube có tên Hùng Đoàn Official để chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ có chung niềm đam mê, hướng dẫn mọi người tận dụng những sản phẩm thủy tinh không sử dụng trong gia đình để tạo ra một khu vườn mini, cũng không cần bỏ ra quá nhiều thời gian và công chăm sóc.
Anh Phương
Ý kiến bạn đọc