Multimedia Đọc Báo in

"Chỗ dựa" của người dân vùng biên

16:37, 23/03/2021

Anh Nguyễn Văn Diện ở thôn Thanh niên lập nghiệp (xã Ya Lốp, huyện Ea Súp) được người dân vùng biên giới quý mến, tin yêu vì khát vọng vươn lên làm giàu và những việc anh đã làm cho bà con nơi đây.

Gia đình anh Diện trước đây ở xã Ea Pal (huyện Ea Kar), không có nghề nghiệp ổn định, nương rẫy ít nên cuộc sống chật vật. Năm 2010, Tỉnh Đoàn có chủ trương kêu gọi thanh niên tình nguyện đi xây dựng kinh tế mới, anh Diện xung phong đến lập nghiệp. Những ngày đầu ở nơi xa xôi hẻo lánh, khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn, anh Diện tự động viên: “Mình còn trẻ cứ thử sức, cố gắng chắc chắn đất không phụ lòng người”.

Rẫy mía mới trồng của anh Nguyễn Văn Diện (xã Ya Lốp, huyện Ea Súp).
Rẫy mía mới trồng của anh Nguyễn Văn Diện (xã Ya Lốp, huyện Ea Súp).

 
Anh Nguyễn Văn Diện là người xung kích phát triển kinh tế, hết lòng vì cộng đồng và nhiệt huyết trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương. Anh là “chỗ dựa” của người dân nơi đây”.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Ya Lốp Lê Anh Hửng

Với 2 ha đất sản xuất được cấp, anh Diện cải tạo lại để trồng lúa, nhưng đất xấu lại thiếu nước tưới, mỗi năm cũng chỉ thu hoạch được chừng 100 bao. Anh Diện đã thuê và cải tạo thêm 7 ha đất trồng ngô, sắn để kiếm thêm thu nhập. Năm 2012, sau khi đã tích góp được ít vốn, gia đình anh Diện bàn nhau mua hai con bò lai về nuôi. Đàn bò của gia đình anh ngày càng phát triển, đến năm 2018 kể cả số bò sinh sản đã lên đến 70 con. Anh bán dần bò để đầu tư trồng cây, nhằm tận dụng những diện tích đất hoang trong vùng. Ban đầu, anh Diện đầu tư trồng 20 ha mía, chỉ 3 năm đã thu được 1 tỷ đồng. Đầu năm 2021, khi mía hết tuổi khai thác, anh Diện phá bỏ và trồng lại với tổng diện tích 30 ha. Những năm trước, anh cũng thuê đất và liên kết với người dân trồng hàng chục ha rừng gồm tếch, bạch đàn, gáo vàng, gai… Đất nhiều, lại canh tác theo kiểu đa cây, mỗi thứ một ít nên kinh tế của gia đình anh khấm khá dần với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Quanh năm suốt tháng tất bật với nương rẫy, nhưng việc gì của thôn xóm cũng đến tay anh Diện. Ai gặp khó khăn, anh Diện sẵn lòng giúp đỡ, bất cứ khi nào có người trong thôn ốm đau, anh đều chở đi cấp cứu miễn phí. Kinh tế khá giả, anh Diện đầu tư 100 triệu đồng tu sửa đường sá, cầu cống bị xuống cấp cho bà con đi lại. Mỗi dịp lễ tết, anh Diện lại chuẩn bị hàng chục phần quà (gồm: gạo, mỳ tôm, nhu yếu phẩm) để tặng những người nghèo trong thôn. Với vai trò là công an viên xã Ya Lốp, anh Diện luôn đoàn kết cùng bà con trong thôn thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chấp hành tốt quy chế biên giới và không sa vào các tệ nạn rượu chè, cờ bạc. Bên cạnh đó, anh Diện còn là Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng - Dự án Làng thanh niên lập nghiệp của Tỉnh Đoàn, thường xuyên tuần tra, ngăn chặn lâm tặc xâm phạm, chặt phá rừng.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.