Huyện Krông Búk: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Krông Búk có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở địa phương.
Trước đây, gia đình chị H’Rưng Mlô ở thôn 1 (xã Tân Lập, huyện Krông Búk) thuộc diện hộ nghèo do thiếu đất sản xuất. Năm 2018, nhờ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Lập đứng ra tín chấp với Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Búk, chị được vay 30 triệu đồng để mua bò giống về nuôi. Ngoài đầu tư cặp bò cái sinh sản, chị còn thuê thêm 2 sào ruộng trồng lúa hai vụ để lấy ngắn nuôi dài. Chỉ sau một năm chăm sóc, hai bò mẹ ban đầu đã đẻ hai bê con. Chị H’Rưng tâm sự: “May nhờ có nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, gia đình tôi mới có cơ hội phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình tôi đã có bốn bò mẹ sinh sản, cuộc sống cũng dần ổn định”.
Gia đình chị H’Rưng Mlô (bên trái) phát triển chăn nuôi bò nhờ vốn vay NHCSXH. |
Cũng từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Ea Ngai vươn lên phát triển kinh tế. Điển hình như gia đình anh Phạm Quang Đạt ở thôn 9 vay 50 triệu đồng từ năm 2018 để đầu tư phát triển nghề cơ khí; anh Bùi Trọng Thủy ở thôn 1 vay 30 triệu đồng từ năm 2018 để chăn nuôi bò; chị Vũ Thị Toan ở thôn 1 vay 30 triệu đồng để đầu tư chăm sóc vườn cà phê… Tất cả những hộ này đến nay đã thoát nghèo và trả hết nợ cho NHCSXH. Chị Đinh Thị Soa, cán bộ giảm nghèo xã Ea Ngai cho hay, hiện nay, tổng dư nợ NHCSXH trên địa bàn xã đạt trên 24,473 tỷ đồng với 618 lượt hộ vay vốn thông qua việc nhận ủy thác của hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên. Hầu hết các hộ được vay đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn, nhờ đó góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của xã. Năm 2019 toàn xã có 71 hộ nghèo, qua rà soát đến nay còn 54 hộ.
Ông Vũ Văn Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Krông Búk
|
Để nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng cũng như phát huy hiệu quả, những năm qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Krông Búk đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, tại các điểm giao dịch cố định ở 7 xã trong huyện đều bố trí cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo, được trang bị đầy đủ các phương tiện làm việc cần thiết để giao dịch phục vụ cho người dân từ giải ngân, thu nợ, thu lãi, huy động tiết kiệm...; thường xuyên tổ chức tập huấn, kiểm tra, giám sát nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác đối với 28 tổ chức hội, đoàn thể cấp xã, thông qua 182 tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, buôn. Đến nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã triển khai 12 chương trình cho vay hộ nghèo, giải ngân cho gần 7.000 hộ với tổng dư nợ hơn 276,940 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Krông Búk cho biết, đơn vị đã triển khai cho vay vốn tín dụng hiệu quả cả về chiều sâu lẫn chiều rộng. Mức cho vay hộ nghèo tăng lên theo đúng nhu cầu thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của các đối tượng; đáp ứng vốn cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Đến nay, hầu hết nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế của gia đình và địa phương.
Một hộ dân ở thôn 1, xã Tân Lập phát triển sản xuất nhờ vốn vay NHCSXH. |
Đánh giá về tính hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng, theo Chủ tịch UBND huyện Krông Búk Vũ Văn Mỹ, thông qua nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, đã có nhiều mô hình, sáng kiến giảm nghèo được hình thành và nhân rộng, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống; góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp, hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên phải bỏ học do gia đình gặp khó khăn về tài chính.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc