Multimedia Đọc Báo in

Trợ lực phát triển công nghiệp nông thôn

08:09, 27/04/2021

Chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả thiết thực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT).

Hiệu quả từ những đề án

Giai đoạn từ năm 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 82 đề án khuyến công địa phương và 4 đề án khuyến công quốc gia, tổng kinh phí gần 22,4 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 9,1 tỷ đồng và vốn đối ứng của đơn vị thụ hưởng hơn 13,2 tỷ đồng.  Nội dung hiệu quả nhất trong chương trình khuyến công giai đoạn này là hỗ trợ máy móc thiết bị cho các cơ sở CNNT. Cụ thể, 5 năm qua đã có 42 đề án được triển khai, với tổng kinh phí gần 4,9 tỷ đồng, tập trung vào việc ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong chế biến, đóng gói nông sản, chế tạo cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu...

Một trong những đơn vị được hưởng lợi từ chương trình khuyến công là Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột). Năm 2019, khuyến công địa phương đã hỗ trợ 140 triệu đồng cho đơn vị đầu tư mới máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến cà phê. Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, từ khi đưa máy móc mới vào hoạt động đã giúp đơn vị giảm số lượng nhân công, mở rộng sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển thị trường tiêu thụ.

Một cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng tại huyện Ea Kar.
Một cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng tại huyện Ea Kar.

Tương tự, Công ty TNHH MTV Cà phê 721 (huyện Ea Kar) được thụ hưởng đề án khuyến công “Hỗ trợ máy móc thiết bị trong sản xuất, chế biến gạo, công suất 3.000 tấn sản phẩm/năm”, với tổng kinh phí thực hiện 754 triệu đồng; trong đó kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 150 triệu đồng. Đề án đã phát huy hiệu quả thiết thực, một số công đoạn được thực hiện hoàn toàn tự động thay vì làm thủ công như trước đây; lượng bụi bẩn phát sinh trong nhà máy cũng giảm đáng kể... Đặc biệt, chất lượng sản phẩm của công ty được tăng lên, sản phẩm "Gạo bảy hai mốt" của doanh nghiệp được bình chọn là Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2018, đạt chứng nhận Sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2017, cấp khu vực năm 2018 và cấp Quốc gia năm 2019.

Theo kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025, Sở Công thương sẽ tập huấn kỹ thuật sơ chế nông sản cho khoảng 1.000 người; xây dựng 5 mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ chuyển giao và ứng dụng thiết bị tiên tiến cho 100 cơ sở; hỗ trợ thành lập 10 cơ sở CNNT và hỗ trợ 20 đơn vị xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm.

Bên cạnh chuyển giao máy móc thiết bị cho các cơ sở CNNT, chương trình khuyến công cũng hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cao năng lực kỹ thuật áp dụng sản xuất sạch trong công nghiệp, tham gia hội chợ, triển lãm; nâng cao năng lực quản lý về tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công và bình chọn, tôn vinh các sản phẩm CNNT tiêu biểu.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực về mặt kinh tế, xã hội, môi trường và khoa học công nghệ. Đặc biệt, thông qua các đề án đã kịp thời khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp mạnh dạn đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến; nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường; góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cần thêm nguồn lực

Thảo luận tại Hội nghị tổng kết chương trình khuyến công giai đoạn 2016 - 2020 và xây dựng kế hoạch chương trình giai đoạn 2021 - 2025 do UBND tỉnh tổ chức vào cuối tháng 3-2021, các đại biểu cho rằng việc thực hiện chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều rào cản. Cụ thể, địa phương chưa hình thành được mạng lưới cộng tác viên khuyến công nên quá trình xây dựng, triển khai thực hiện các đề án khuyến công tại cơ sở còn khó khăn. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa đối tượng thụ hưởng và các cơ quan, đơn vị có lúc chưa chặt chẽ, một số chủ cơ sở CNNT thay đổi mục tiêu đầu tư hoặc mua máy móc, thiết bị không đúng đề án phê duyệt nên phải dừng thực hiện đề án hỗ trợ. Đặc biệt, kinh phí dành cho hoạt động khuyến công chủ yếu là ngân sách nhà nước và đối ứng của các đơn vị thụ hưởng mà chưa huy động được những nguồn lực khác nên số lượng doanh nghiệp, cơ sở được thụ hưởng đề án là không nhiều.

Sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu tham gia một sự kiện về xúc tiến thương mại  hàng nông sản.
Sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu tham gia một sự kiện về xúc tiến thương mại hàng nông sản.

Giám đốc Sở Công thương Lưu Văn Khôi cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, tổng kinh phí thực hiện chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh dự kiến 55 tỷ đồng; trong đó nguồn khuyến công quốc gia là 7 tỷ đồng, khuyến công địa phương 22 tỷ đồng, còn lại là đối ứng của đơn vị thụ hưởng và các nguồn lực xã hội khác. Đặc biệt, tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia hỗ trợ hoạt động khuyến công, góp phần phát triển ngành công nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, cơ khí chế tạo và sản xuất hàng xuất khẩu; khuyến khích các cơ sở CNNT ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm năng lượng, nguyên, nhiên vật liệu để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Những nội dung trọng tâm được ngành khuyến công quan tâm thực hiện trong thời gian tới là hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho các cơ sở sản xuất công nghiệp; xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến; chuyển giao công nghệ mới; đồng thời tư vấn cho các cơ sở, doanh nghiệp về marketing, liên kết trong sản xuất kinh doanh và tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.