Nữ doanh nhân với khát vọng nâng tầm nông sản Việt
Có một người phụ nữ chấp nhận từ bỏ công việc ổn định dấn thân vào con đường kinh doanh nông sản với tâm huyết liên kết nông dân để làm nông nghiệp bền vững và đưa sản phẩm của địa phương vươn ra thế giới.
Đồng hành với nông dân làm nông nghiệp bền vững
Phải mấy lần hẹn chúng tôi mới gặp được chị Nguyễn Thị Xuân Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên tại TP. Buôn Ma Thuột vì chị bận liên tục, khi thì ra đồng kiểm tra hàng nông sản, khi đi Đà Nẵng, thủ đô Hà Nội làm thị trường. Cuộc gặp ngắn ngủi, chị Hương nói nhiều về câu chuyện sản xuất nông nghiệp bền vững – điều mà chị rất tâm huyết.
Chị Hương trước đây là cán bộ Hội Nông dân tỉnh. Hơn 10 năm gắn bó với nông dân, chị hiểu rất rõ, phần lớn bà con nông dân vẫn sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún, canh tác theo thói quen, sản phẩm làm ra chất lượng không đồng đều, thu nhập bấp bênh. Năm 2018, chị Hương bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh nông sản. Chị đến những siêu thị vừa và nhỏ để tìm đơn hàng, rồi tập đóng gói, vận chuyển hàng cho khách. Bà chủ trẻ gặp rất nhiều khó khăn, không ít lần bị trả lại nguyên đơn hàng vì sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của đối tác do không đủ quy chuẩn, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao. Từ thất bại ban đầu, chị bắt đầu tiếp cận với nông dân theo hướng liên kết. Chị tìm đến các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và các nông hộ xây dựng vùng nguyên liệu. Theo đó, đơn vị đã kết nối với doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân về giống, thuốc bảo vệ thực vật và kỹ thuật sản xuất. Công ty bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo giá thị trường, khi giá sản phẩm rớt xuống kịch khung sẽ thu mua bằng giá thành sản phẩm cộng thêm 30%.
Chị Nguyễn Thị Xuân Hương thường xuyên xuống ruộng chia sẻ với nông dân cách làm nông nghiệp sạch. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Để hợp tác với nông dân, chị phải đến từng nhà, gặp từng người để vận động họ liên kết nhằm cùng sản xuất ra những sản phẩm đạt chuẩn và có thị trường tiêu thụ ổn định. Quá trình rất gian nan, bởi nông dân, HTX không dễ dàng gì thay đổi thói quen canh tác, tuân thủ các quy trình sản xuất và thực hiện cam kết hợp đồng.
"Liên kết là điều tất yếu trong nông nghiệp hiện tại và tương lai. Ở đó, ngành nông nghiệp sẽ phát triển bền vững, doanh nghiệp có lợi, nông dân vui vẻ sản xuất, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền sử dụng sản phẩm an toàn, như vậy mọi người đều sẽ hạnh phúc”.
Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên Nguyễn Thị Xuân Hương
|
Chị Hương còn nhớ, một HTX ở huyện Cư Kuin gồm 16 thành viên với 10 ha liền canh liền thửa trồng rau xanh, nhưng hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy làm nên không hiệu quả. Khi HTX định giải thể, chị tìm đến đặt vấn đề làm ăn thì chẳng mấy ai mặn mà. Chị Hương đưa các loại rau đi kiểm tra, đánh giá chất lượng rồi đưa mẫu đi nhờ phân tích độ chua, độ phèn trong đất. Thấy đất tốt, chất lượng rau ổn, chị mua hết sản phẩm của bà con và động viên họ sản xuất theo hướng an toàn. Các thành viên trong HTX dần tin tưởng, từ đó đơn vị hoạt động hiệu quả hơn, sản phẩm được tiêu thụ ổn định. “Bà con nông dân như cha mẹ, anh chị mình phải gần gũi, sẻ chia để họ hiểu, tin tưởng và thay đổi cách làm”, chị Hương trò chuyện.
Hành trình đưa trái cây Đắk Lắk ra thế giới
Bằng sự chân thành, chia sẻ vì lợi ích chung, Công ty Hương Cao Nguyên đã liên kết chuỗi giá trị với 20 HTX trên địa bàn tỉnh, trong đó 7 đơn vị đã được cấp chứng nhận VietGAP cho các sản phẩm: sầu riêng, bơ, cây có múi, vải, các loại rau. Bên cạnh đó, công ty đã đồng hành cùng nông dân triển khai xây dựng, đi vào hoạt động hiệu quả các vùng sản xuất rau an toàn đạt chuẩn VietGAP theo chuỗi từ cung ứng vật tư đầu vào, sản xuất, thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm tại huyện Cư Kuin, Cư M'gar, Buôn Đôn, Ea Kar, Ea H'leo; hình thành vùng sản xuất trái cây an toàn tại các huyện Cư M'gar, Krông Năng, Krông Ana, Buôn Đôn và Ea Kar.
Công ty cũng liên kết 12 HTX tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Lâm Đồng và một số tỉnh Tây Nam Bộ sản xuất rau, củ, trái cây. Với chuỗi liên kết rộng lớn ở nhiều tỉnh thành, mỗi ngày doanh nghiệp đưa ra thị trường 15 – 17 tấn rau, củ, quả, gồm 100 sản phẩm. Trong đó, 90% sản phẩm của công ty được cung cấp cho hệ thống các siêu thị Mega, BigC, Vinmart, Bách Hóa Xanh, Aone trên toàn quốc thông qua 4 địa điểm kinh doanh, sơ chế tại tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Tất cả sản phẩm được công khai tiêu chuẩn, nhật ký sản xuất, nguồn gốc xuất xứ, kế hoạch mùa vụ bằng hình thức quét mã vạch.
Chị Hương kiểm tra lô hàng mới nhập về. |
Năm 2020, chị Hương phối hợp với ngành nông nghiệp xin cấp mã vùng trồng cho vải chín sớm tại huyện Krông Năng và Krông Ana. Sản phẩm vải cũng đã được cấp chứng nhận VietGAP và có truy xuất nguồn gốc. Những việc này là sự chuẩn bị cho kế hoạch lớn được chị đã ấp ủ lâu nay là xuất khẩu trái cây Đắk Lắk đi những thị trường khó tính. Sản lượng vải u hồng tại hai vùng nguyên liệu Krông Năng và Krông Ana đạt gần 1.000 tấn/vụ. Các mẫu hàng đã được kiểm tra các chỉ số đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện công ty đã ký biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản sang Mỹ, Nhật, Trung Quốc và các nước châu Âu.
Để đáp ứng đòi hỏi khắt khe của thị trường quốc tế, đơn vị thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát chất lượng, mẫu mã nguyên liệu. Giống vải u hồng trồng tại địa phương có ưu điểm là chín sớm hơn so với các loại vải trồng ở miền Bắc, cùi cứng, có vị ngọt thanh và không bị thối đầu. Trong năm nay, công ty sẽ xuất sang các nước châu Âu 10 tấn vải u hồng chín sớm. Hiện nay, giải pháp của công ty là xuất khẩu từng ít một nhằm đánh giá tiềm năng, đặc điểm của thị trường để có những điều chỉnh phù hợp, sau đó mới thực hiện những đơn hàng số lượng lớn.
Bên cạnh trái vải, chị Hương cũng có kế hoạch xuất khẩu những loại trái cây khác của tỉnh như: rầu riêng, bơ, trong đó tập trung vào thị trường có tiềm năng lớn là Trung Quốc và châu Âu. “Trái cây Đắk Lắk có sản lượng lớn, chất lượng tốt, nhiều loại đã được cấp mã vùng trồng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì xuất khẩu ra thế giới là điều không khó”, chị Hương khẳng định.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc