Multimedia Đọc Báo in

Công trình kè chống sạt lở sông Krông Nô:

Bảo đảm an toàn sản xuất và dân sinh vùng dự án

08:07, 03/06/2021

Công trình kè chống sạt lở bờ sông Krông Nô (huyện Lắk) được triển khai thực hiện từ đầu năm nay được xem là giải pháp lâu dài bảo đảm an toàn cho hoạt động sản xuất, đi lại và cuộc sống của người dân vùng dự án.

Sạt lở trên... công trình chống sạt lở

Ngày 22-12-2020, UBND huyện Lắk có Quyết định số 2929/QĐ-UBND về báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở bờ sông Krông Nô (đoạn qua xã Nam Ka và Ea Rbin). Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lắk làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ đầu năm 2021.

Đang trong quá trình thi công nhưng mới đây, vào chiều 26-5, do ảnh hưởng của mưa lớn, một đoạn trên công trình qua xã Nam Ka bị sạt lở nặng. Vị trí sạt lở đất bị sập và hư hỏng tuyến đường giao thông liên xã Nam Ka – Ea Rbin chiều dài 27 m, rộng 9 m. Quan sát thực tế cho thấy, vị trí sạt lở ăn sâu vào lòng đường nhựa, gây ách tắc giao thông gần một ngày. Đây là tuyến đường liên xã nên mật độ lưu thông khá cao, đặc biệt thời điểm này đang mùa thu hoạch khoai lang, lúa nên xe chở nông sản đi lại nhiều. Sự cố sạt lở khiến tuyến đường không lưu thông được.

Đường liên xã Nam Ka - Ea Rbin bị sạt lở nặng vào chiều 26-5-2021.
Đường liên xã Nam Ka - Ea Rbin bị sạt lở nặng vào chiều 26-5-2021.
Ông Nay Y Phú, Chủ tịch UBND huyện Lắk cho biết, Nam Ka và Ea Rbin là hai xã vùng sâu, vùng xa của huyện, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, hằng năm bị ảnh hưởng nặng bởi tình trạng sạt lở xảy ra trên sông Krông Nô. Do đó, công trình kè chống sạt lở bờ sông Krông Nô được triển khai sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất và cơ sở hạ tầng vùng dự án.

Trước tình hình đó, UBND huyện Lắk đã chỉ đạo UBND các xã Nam Ka, Ea Rbin phối hợp với nhà thầu thực hiện những biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân và phương tiện khi lưu thông qua vị trí sạt lở. Ông Mai Chí Dũng, Chủ tịch UBND xã Nam Ka cho biết, khoảng 16 giờ ngày 26-5, địa phương nhận được thông tin sạt lở trên đường liên xã Nam Ka – Ea Rbin. Ngay lập tức UBND xã đã cử lực lượng phối hợp với đơn vị thi công hướng dẫn giao thông, tuyên truyền cho người dân mức độ nguy hiểm nhằm hạn chế qua lại. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu trong việc khắc phục hiện trường để thông tuyến trong thời gian sớm nhất. Thời điểm xảy ra sạt lở có khoảng 30 xe chở nông sản, mặc dù tài xế và người dân xin lưu thông qua nhưng để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản, địa phương và đơn vị thi công cương quyết tạm dừng lưu thông. Sau gần một ngày nỗ lực đẩy nhanh tiến độ khắc phục, đến trưa 27-5 thì cơ bản thông tuyến, tất cả phương tiện hai đầu đường đã được lưu thông. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khắc phục tạm thời, do đó địa phương vẫn phải tuyên truyền và cắm biển báo hạn chế đi lại trên đoạn đường này để hạn chế rủi ro, nhất là vào cao điểm mùa mưa sắp tới.

Cần điều chỉnh thiết kế

Nhiều năm nay, thường xảy ra tình trạng sạt lở dọc sông Krông Nô qua tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Theo quan sát, dọc tuyến sông có hàng chục điểm sạt lở, khiến hàng trăm héc-ta đất canh tác bị cuốn trôi xuống sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân. Tại Đắk Lắk, hai địa phương bị ảnh hưởng nặng là các xã Nam Ka và Ea Rbin (huyện Lắk). Đơn cử như vào tháng 8-2020, trên đoạn đường liên xã Ea Rbin – Nam Ka bị cuốn trôi một đoạn dài, gây chia cắt giao thông trong thời gian dài, cô lập hàng trăm hộ dân.

Một tuyến cống thuộc công trình kè chống sạt lở bờ sông Krông Nô đoạn qua xã Ea Rbin đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Một tuyến cống thuộc công trình kè chống sạt lở bờ sông Krông Nô đoạn qua xã Ea Rbin đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Công trình kè chống sạt lở bờ sông Krông Nô được phê duyệt với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, gồm 5 tuyến cống và tuyến kè chống sạt lở chạy dọc trên tuyến đường giao thông liên xã Nam Ka – Ea Rbin.

Công trình do Công ty TNHH Phú Xuyên đảm nhận thi công. Đến cuối tháng 5-2021, công trình đã hoàn thành 5 tuyến cống, bảo đảm cho việc lưu thông trên tuyến. Còn hạng mục tuyến kè chống sạt lở triển khai từ đầu tháng 5, dự kiến cuối tháng 6 năm nay sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng, tuy nhiên do bị sạt lở vào ngày 26-5 vừa qua khiến quá trình thi công gặp nhiều khó khăn, buộc phải điều chỉnh lại thiết kế.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Phú Xuyên cho hay, đoạn đường liên xã ở vị trí bị sạt lở trước đó đã xuất hiện vết nứt. Trong quá trình thi công, khi công nhân đang đổ bê tông của tường bờ kè, gặp mưa lớn kéo dài mấy ngày dẫn đến trượt, sạt. Sau khi xảy ra sự cố, đơn vị đã huy động 2 máy xúc, 2 máy ủi và 15 công nhân kịp thời khắc phục.

Về lâu dài thì phải chờ cơ quan chức năng tham mưu, điều chỉnh lại thiết kế, bởi toàn bộ phần sạt lở phát sinh nằm ngoài dự án. Thêm vào đó, hiện nay do điều kiện thời tiết vào mùa mưa nên khả năng công trình này sẽ phải kéo dài thời gian đến đầu mùa khô năm sau.

Liên quan đến vị trí sạt lở trên công trình kè chống sạt lở bờ sông Krông Nô, mới đây UBND huyện Lắk đã mời các các sở, ngành liên quan đến kiểm tra hiện trường, xác định khối lượng ảnh hưởng. Đồng thời đề nghị tỉnh xem xét điều chỉnh thiết kế phù hợp và sớm bố trí kinh phí phát sinh ngoài dự án để công trình sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.