Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ Krông Na giúp nhau làm kinh tế

08:08, 30/06/2021

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Hội LHPN xã biên giới Krông Na (huyện Buôn Đôn) cụ thể hóa qua những cách làm sáng tạo, mô hình giúp nhau phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên.

Hội LHPN xã Krông Na có gần 1.400 hội viên, trong đó trên 1.200 hội viên là người dân tộc thiểu số, tham gia sinh hoạt ở 9 chi hội.

Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Thị Thu Hằng cho hay, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, Hội đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động sát với điều kiện thực tiễn địa phương và triển khai sâu rộng đến các chi hội trên địa bàn; gắn học tập và làm theo Bác với các phong trào thi đua yêu nước, phụ nữ “Rèn luyện 4 phẩm chất tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”...

Cán bộ Hội tăng cường bám, nắm địa bàn, sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng, thực tế điều kiện, hoàn cảnh của từng hội viên để từ đó xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình phụ nữ tương trợ, giúp nhau phát triển kinh tế. 

Chị Lương Thị Thủy được hỗ trợ vay vốn đầu tư nuôi trồng lan rừng.
Chị Lương Thị Thủy được hỗ trợ vay vốn đầu tư nuôi trồng lan rừng.
5 năm qua, Hội LHPN xã Krông Na đã thành lập, duy trì được 12 nhóm tiết kiệm với 146 hội viên tham gia; duy trì 12 nhóm phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế và 3 tổ hùn vốn với số tiền trên 1 tỷ đồng giúp nhiều hội viên nghèo.

Đơn cử như mô hình “Nhóm phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” của Chi hội phụ nữ buôn Ea Mar - chi hội có gần 100% hội viên là người dân tộc tại chỗ và dân tộc thiểu số ở phía Bắc vào lập nghiệp. Trên cơ sở điều kiện kinh tế của các gia đình, Hội vận động 100% hội viên chi hội tự nguyện đóng góp mỗi người 100.000 đồng/tháng để tạo quỹ luân phiên cho các chị em vay.

Chị Lương Thị Thủy, Chi hội phụ nữ buôn Ea Mar cho biết, khi mới đến đây lập nghiệp năm 2010, cuộc sống gia đình khó khăn, may mắn được chi hội hỗ trợ cho vay số tiền gần 10 triệu đồng để đầu tư mô hình nuôi trồng lan rừng. Với bản tính ham học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, siêng tìm hiểu, sưu tầm các giống lan bản địa, chị đã gây dựng được một vườn lan nhỏ để kinh doanh, nhờ đó cuộc sống bớt khó khăn. Năm 2019, chị đã hoàn trả được số vốn vay để các hội viên khó khăn khác được tiếp cận nguồn vốn, phát triển kinh tế.

Ngoài mô hình trên, các chi hội đều tham gia hưởng ứng phong trào “Phụ nữ làm theo lời Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững” dưới hình thức vận động hội viên thành lập các tổ tiết kiệm. Kết quả trong 5 năm (2016 - 2020) đã thành lập, duy trì được 12 nhóm tiết kiệm với 146 hội viên tham gia, đóng góp số tiền trên 700 triệu đồng cho 700 lượt chị vay; duy trì 12 nhóm phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế và 3 tổ hùn vốn với số tiền trên 1 tỷ đồng giúp nhiều hội viên nghèo. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, trong 5 năm qua cán bộ hội viên đã đóng góp trên 50 triệu đồng cho 15 hội viên nghèo làm chủ hộ vay vốn đầu tư chăn nuôi, buôn bán nhỏ. Những mô hình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế trên đã góp phần giảm tỷ lệ hội viên nghèo trên địa bàn xã Krông Na xuống 3%/năm, hiện còn trên 10%.

Với những việc làm thiết thực trên, Hội LHPN xã Krông Na đã trở thành một trong những điển hình được Ban Thường vụ Huyện ủy Buôn Đôn tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh 5 năm qua. Đây cũng là điển hình trong phong trào vận động, tập hợp, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tổ chức hội của Hội LHPN huyện Buôn Đôn.,

Thảo Nhi

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.